Khi người dân có Đảng soi đường. Bài 2
Chính trị - Ngày đăng : 05:28, 23/03/2023
Bài 2: Tháo “điểm nghẽn” thủy lợi cho lúa thêm bông
Từ đây hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương gắn với giao thông nội đồng tưới cho trên 21.000 ha đất nông nghiệp, mở ra triển vọng phát triển các loại giống lúa xác nhận, lúa chất lượng cao tạo nên thương hiệu “Gạo Tánh Linh” và nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao trên thị trường…
Cho ruộng thôi khát…
Tôi đã từng hàng tuần đi xe đạp 25 km, có lúc phải vác xe đạp qua đoạn đường sình lầy hơn 5 km tuyến ĐT717 với “cơm đùm, gạo bới” để đến học ở Trường THPT Tánh Linh. Rồi có khi đi xe đò chạy bằng than nhưng xe lật ngang chẳng ai bị thương do đường sình tới nửa bánh xe. Rồi chứng kiến những đợt hạn hán nắng cháy khô đồng lúa đang thì con gái, hay những trận lũ lụt phá tan nhà cửa, hoa màu và kéo trôi đàn gia súc ra sông… Người dân chỉ biết nước mắt giọt ngắn giọt dài nhìn thành quả của mình bao ngày tháng chăm chút làm lụng mất đi trong vô vọng… Kể lại chuyện này để thấy rằng hiện nay đường sá Tánh Linh đã thông thương giúp hàng nông sản vươn xa, nhất là thung lũng sông La Ngà là một vùng đất màu mỡ, với trên 21.000 ha đất canh tác, hàng năm đã đóng góp trên 25% sản lượng lương thực chung của toàn tỉnh nhưng để có diện tích và sản lượng lúa như hôm nay là cả một quá trình gian khó mà Đảng bộ và hệ thống chính trị ở Tánh Linh đã “mở lối”…
Nhớ lại những năm 1995 trở về trước, sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở Tánh Linh chủ yếu là sử dụng nước trời, nên chỉ sản xuất được 1 đến 2 vụ/năm. Vào mùa khô dân phải bỏ ruộng do không có nước tưới, chỉ sản xuất được những nơi có đập thủy lợi tự chảy, nhưng diện tích không lớn do quy mô còn nhỏ. Những năm thời tiết không thuận lợi thì sản xuất càng bấp bênh hơn, có năm bão lụt liên tục lúa gieo đi gieo lại đến vài lần mới sống được nhưng đến khi gần thu hoạch, bão lại đến làm gãy ngã thì bao công sức của dân làm lúa lại tiêu tan… Sản lượng lương thực (SLLT) của huyện lúc ấy cũng chỉ đạt từ 65.000-70.000 tấn/năm, bình quân lương thực đầu người vào khoảng 900 kg/người/năm, mức sống rất thấp. Thời điểm ấy, nước cho SXNN là vấn đề hết sức cấp thiết và là mối quan tâm hàng đầu của huyện Tánh Linh và người dân. Khi Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi chính thức được khởi công vào năm 1997, huyện nhận thấy đây là cơ hội lớn để phát triển thủy lợi cho vùng hạ du sông La Ngà nhằm đưa nước vào đồng ruộng, góp phần tăng vụ, mở rộng diện tích vào mùa khô. Nắm bắt cơ hội trên, huyện Tánh Linh xin chủ trương cấp trên để đầu tư hệ thống thủy lợi sông La Ngà, nhưng do vốn quá lớn, phải kiến nghị lên Trung ương.
Thời ấy, tôi còn nhớ ông Đoàn Sáu – nguyên Bí thư Huyện ủy Tánh Linh vốn rất tâm huyết làm thủy lợi, giúp dân giải bài toán “đồng ruộng khát nước”. Có lần ông tâm sự: Để giải bài toán nước trước mắt, huyện có chủ trương triển khai xây dựng các trạm bơm điện dọc sông La Ngà để đón đầu nguồn nước bơm tưới phục vụ sản xuất. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện còn vận động nhân dân đóng góp bằng tiền và hoán đổi đất để đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước… Sau khi công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đưa vào sử dụng, thì hệ thống các trạm bơm điện dọc sông La Ngà và hệ thống kênh dẫn kèm theo đã được hoàn thành, cơ bản đáp ứng được việc bơm tưới. Nhờ vậy diện tích gieo trồng được mở rộng và tăng dần qua hàng năm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa SLLT đến năm 2005 đạt 120.000 tấn, cao gần gấp 2 lần so với năm 1995 và đến đầu năm 2023, SLLT đã đạt gần 195.000 tấn… Từ đột phá làm trạm bơm điện, làm kênh mương dẫn nước của Tánh Linh, đến nay toàn huyện có gần 200 tuyến kênh tưới cho hàng ngàn ha lúa và hoa màu các loại…
Hạt lúa “thăng hoa”
Trước năm 2000, Tánh Linh chủ yếu sử dụng các chủng loại giống lúa cũ có năng suất thấp, trong khi đó thời gian sinh trưởng dài, kháng sâu rầy kém... dẫn đến năng suất, chất lượng không cao, giá cả đầu ra thấp, tiêu thụ khó khăn, thu nhập thấp. Do không đủ giống nên nông dân có thói quen lấy lúa thịt để gieo sạ lại vào vụ sau, càng ngày giống bị thoái hóa dần, dẫn đến năng suất không thể nâng cao được. Vì vậy, Tánh Linh xác định bước tiếp theo sau thủy lợi phải là khâu giống, tức phải đưa vào sản xuất các loại giống có năng suất và chất lượng cao hơn thay cho bộ giống cũ đã bị thoái hóa.
Anh Võ Văn Ty – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT, là người có thâm niên gắn với ngành nông nghiệp Tánh Linh hơn 30 năm, được đi tham quan nhiều mô hình sản xuất lúa trong nước và nước ngoài để xuất khẩu khá trăn trở việc Tánh Linh là vùng trọng điểm lúa của tỉnh nhưng chất lượng lúa thấp, đồng nghĩa với việc người dân làm lúa thu nhập thấp hơn rất nhiều so với người dân trồng các loại cây khác. Từ trăn trở của mình anh đã đề xuất với lãnh đạo huyện, cộng với những mối quan hệ thân thiết là bạn bè anh em làm ở các viện nghiên cứu lúa giống, hàng năm huyện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới, năng suất cao hơn (lấy từ Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long), đồng thời đưa vào khảo nghiệm nhiều bộ giống lúa mới lai tạo, có triển vọng, được thị trường ưa chuộng và có tính thích nghi cao với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Qua thử nghiệm mô hình, huyện đã chọn ra được các chủng loại giống lúa xác nhận có nhiều ưu thế nổi trội được nông dân và thương lái chấp nhận. Nhiều giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao đã được nông dân đưa vào sản xuất đại trà, đứng chân vững vàng trên đồng ruộng, thay thế dần các giống lúa cũ, kéo theo thay đổi tập quán, tư duy sử dụng giống lúa xác nhận thay cho sử dụng lúa thịt làm giống. Từ đó, năng suất lúa bình quân đã được nâng lên 48 tạ/ha rồi 60 tạ/ha, cá biệt hiện nay vào vụ đông – xuân có hộ sản xuất đạt 80 – 90 tạ/ha… Hiện nay, Tánh Linh đang có vùng lúa chất lượng cao trên 3.000 ha tại các xã Đức Phú 150 ha, Nghị Đức 300 ha, Đức Tân 150 ha, Bắc Ruộng 700 ha, Huy Khiêm 300 ha, Đồng Kho 310 ha, Đức Bình 190 ha, Đức Thuận 90 ha, Lạc Tánh 410 ha và Gia An 400 ha nằm trong vùng tưới của các trạm bơm, thuận lợi về giao thông để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. 5 năm trở lại đây HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, Lạc Tánh, Đức Phú bình quân mỗi năm sản xuất 2 vụ/50 - 70 ha với sản lượng khoảng 100 - 200 tấn/năm. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bình quân mỗi sào lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thường từ 1 – 2,5 triệu đồng/ha. Có lần ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình đã tâm sự với tôi: “Đảng bộ và chính quyền đã định hướng, mở lối, soi đường tạo cho người dân kiến thức, cách tư duy làm kinh tế, vậy tại sao nông dân chúng tôi không vận dụng để tìm cơ hội làm giàu…?”. Với suy nghĩ ấy, từ những cánh đồng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, không chỉ riêng ông Đức mà các HTX nông nghiệp đã tạo ra sản phẩm gạo sạch theo hướng hữu cơ mang thương hiệu “Gạo Tánh Linh” cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu… Bên cạnh hạt lúa “thăng hoa”, từ nguồn nước thủy lợi phong phú nông dân Tánh Linh đã tận dụng để nuôi trồng thủy sản khá thành công, hàng năm cung cấp cho thị trường nhiều loại thủy sản có giá trị như cá lóc, cá mè, cá trắm và nhất là cá thát lát Tánh Linh đã nổi tiếng cả nước với chất lượng thơm ngon không nghe mùi rong như những vùng khác nhờ nuôi ở dòng nước sạch lưu thông liên tục từ sông La Ngà chảy qua các kênh thủy lợi…
Làm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao từ cây lúa, cây công nghiệp dài ngày cao su, điều, tiêu, cà phê và thủy sản đang mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Tánh Linh. Tuy vậy, Đảng bộ và hệ thống chính trị của Tánh Linh đang hướng đến phát triển công nghiệp để giải quyết nguồn lao động cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách đồng thời thực hiện chiến lược phát triển 3 “trụ cột” kinh tế theo chỉ đạo của tỉnh, trong đó có phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Liệu Tánh Linh có làm được?
“Đảng bộ và chính quyền đã định hướng, mở lối, soi đường tạo cho người dân kiến thức, cách tư duy làm kinh tế, vậy tại sao nông dân chúng tôi không vận dụng để tìm cơ hội làm giàu…?”.