Tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển mạnh du lịch

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 07:21, 24/03/2023

Tôi còn nhớ cái cảm giác háo hức khi bạn bè rủ nhau đi mua loại kính bảo vệ mắt, để leo lên đồi cát ở Mũi Né xem “nhật thực toàn phần” vào ngày 24/10/1995.

Thấm thoắt đã gần 28 năm qua, chẳng ai ngờ sự kiện thiên văn ấy lại thành cột mốc đánh thức ngành du lịch Bình Thuận, khi mọi người phát hiện ra nét quyến rũ của vùng đất này. Cũng chẳng ai ngờ những làng chài xa vắng dưới bóng dừa bên biển xanh ngày ấy, lại trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng” với những khu du lịch sang trọng và hấp dẫn.

69448-ngam-hoang-hon-o-bau-trang-700x438.jpg
Hoàng hôn nơi đồi cát Bàu Trắng.

Nếu hiểu “thiên thời” là cơ hội trời ban cho, thì “nhật thực toàn phần” năm 1995 là cơ hội trời cho mà Bình Thuận đã nắm bắt được. “Thời” cũng đã đến khi tiềm năng du lịch được phát hiện đúng vào thời điểm đất nước đổi mới, mở cửa, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, nên Bình Thuận thu hút được nhiều nhà đầu tư ở cả trong và ngoài nước, đem vốn liếng, kinh nghiệm, tâm huyết đến đầu tư vào mảnh đất này. “Sinh sau đẻ muộn”, nhưng chính việc tập trung phát triển các resort ven biển đã tạo ra sự khác biệt của Mũi Né, so với các trung tâm du lịch khác trên cả nước.

Bình Thuận là mảnh đất cực Nam Trung bộ ít mưa, thừa nắng, gió. Điều tưởng như bất lợi ấy lại biến thành lợi thế để phát triển du lịch, năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời. Hoạt động du lịch Bình Thuận diễn ra quanh năm, không theo “thời vụ” như nhiều điểm du lịch biển khác. Nắng, gió cũng thành “đặc sản” của Bình Thuận, thu hút hàng triệu du khách châu Âu tới tránh đông, để tìm một làn da nâu rám nắng nhiệt đới. Nắng, gió cũng sẽ giúp Bình Thuận thành một trung tâm thể thao biển trong tương lai.

Vị trí gần TP. Hồ Chí Minh - một thị trường du lịch nội địa lớn nhất nước, cũng là lợi thế so sánh. Nay mai khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển còn 2 giờ, thì du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần sẽ là “gà đẻ trứng vàng” cho Bình Thuận (giống như Vũng Tàu ( Ô cấp) ngày trước). Còn khi có sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Phan Thiết, thì du khách quốc tế đến Bình Thuận sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Sự thành công của du lịch Bình Thuận trong gần 3 thập kỷ qua còn nhờ vào biết bao tâm huyết, trí tuệ, sức lực của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nhân và cộng đồng người lao động. Bình Thuận có nhiều cán bộ, đảng viên giàu tâm huyết với du lịch, những người đã biết nắm bắt cơ hội và đặt những “viên gạch” đầu tiên cho du lịch. Trong số đó nhiều người không còn nữa, nhiều cán bộ đã nghỉ hưu nhưng lòng vẫn còn đau đáu với thành bại của du lịch tỉnh nhà. Nhiều cán bộ đang tiếp tục lãnh đạo, quản lý, nhiều doanh nhân đầy tâm huyết đang góp sức đưa du lịch tiến lên. Và rất đông bạn trẻ, con cháu của quê hương Bình Thuận, đã quyết định chọn du lịch là nghề nghiệp tương lai của mình.

Chỉ trong hơn 5 nhiệm kỳ (từ 1995 đến nay), Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 5 nghị quyết về phát triển du lịch, mỗi nghị quyết lại nâng du lịch lên một nấc thang mới; ngày 3/7/1995 Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới; ngày 25/3/2004 tỉnh Bình Thuận có Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2010, khẳng định vai trò của du lịch đối với sự phát triển của Bình Thuận; ngày 3/10/2011 Bình Thuận có Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến 2015; tiếp đến Bình Thuận có Nghị quyết số 09-NQ/TU định hướng phát triển du lịch đến 2020; ngày 24/10/2021 Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến 2025, định hướng đến 2030, đặt mục tiêu đến 2030 Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, một trụ cột phát triển của Bình Thuận.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là 3 yếu tố cần có tạo nên sự thành công của du lịch Bình Thuận, đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và tạo công ăn việc làm, thu nhập, sinh kế cho nhân dân. Đặc biệt, du lịch phát triển lôi kéo, thúc đẩy hàng loạt ngành nghề sản xuất, dịch vụ khác phát triển theo.

Những ngày này, người dân Bình Thuận đang sôi nổi ra quân làm vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị, chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” sẽ khai mạc vào đêm mai (25/3). Chúng ta tự hào về ngành du lịch đang tuổi thanh xuân và quyết tâm tiếp tục tận dụng tiềm năng, lợi thế, thời cơ để phát triển mạnh mẽ du lịch, làm giàu cho quê hương.

Đặng Dũng