Gia tăng bệnh lao và lao kháng thuốc
Y tế - Ngày đăng : 05:50, 24/03/2023
Nguy cơ bùng phát
Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá: Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Vị trí đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Tại Bình Thuận, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trong năm 2022 là 1.819 bệnh nhân, thì có 10 trẻ em mắc bệnh lao, chiếm tỷ lệ 0,55% trong tổng số bệnh nhân lao. Trong đó, 1.178 người lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học thì có 1.034 bệnh nhân mới, 129 người tái phát bệnh và 15 người điều trị lại; 459 người lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học và 182 người lao ngoài phổi. Nhìn chung, số bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn mới phát hiện, tái phát và điều trị lại đều tăng ở mức dao động 43 - 67,5% so với cùng kỳ. Riêng bệnh nhân lao kháng thuốc là 46 người, tăng 8 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 21,05%.
Nguyên nhân số bệnh nhân lao tăng vào năm 2022 là tình hình dịch Covid-19 trong năm 2021, các hoạt động phòng, chống lao có gián đoạn. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao kháng thuốc không đi tái khám định kỳ hàng tháng và bệnh nhân lao cùng lúc mắc nhiều bệnh khác. Người bệnh nghi mắc lao cũng không đi khám để phát hiện bệnh lao.
Các chuyên gia nhận định rằng: Tình hình phòng, chống lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, đáng ngại nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Phần lớn người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động và chi phí chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân lao vượt quá thu nhập hàng năm của cả gia đình. Chi phí điều trị bệnh lao là một vấn đề mà ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống cho gia đình có người mắc bệnh này cũng như xã hội.
Hơn 86% điều trị thành công
Các bác sĩ cho biết: Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài. Biểu hiện ho kéo dài như ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu; người gầy, kém ăn, sốt nhẹ về chiều, đau ngực khó thở… Người bệnh đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời theo đúng phác đồ điều trị, đủ thời gian chỉ định, đều đặn uống thuốc.
Mặc dù hoạt động phòng chống lao còn đó những khó khăn, nhưng chương trình này đã nhận được sự quan tâm của các cấp, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát đạt 86,85%. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao các thể đạt 87,58% đạt mục tiêu của chương trình chống lao quốc gia.
Theo đó, kế hoạch phòng chống lao của Bệnh viện Phổi Bình Thuận là tiếp tục duy trì đảm bảo chất lượng các hoạt động xét nghiệm, phát hiện, quản lý điều trị bệnh. Đẩy mạnh chương trình chống lao bằng cách sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại các khu vực khó tiếp cận, có tình hình dịch tễ lao cao, trong nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, phạm nhân, người uống Methadone, người nhiễm HIV, bệnh nhân tiểu đường… Đồng thời, tăng cường tầm soát, sàng lọc, phát hiện các bệnh nhân lao đa kháng thuốc, lao trẻ em…
Việt Nam chiến thắng bệnh lao
Đó là chủ đề hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam (24/3/2023), mang niềm tin chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Và thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, đây là hoạt động quan trọng hàng năm hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao. Năm 2023 là năm rất quan trọng, “một năm hy vọng” để nhận sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao.