Nhớ món ăn quê

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:59, 24/03/2023

Tuổi thơ tôi và của tất cả những ai sinh ra, lớn lên từ làng quê, hẳn đều mang trong mình biết bao kỷ niệm với những điều đơn sơ hàng ngày như: Sáng ăn cơm nguội với cá khô, cơm trưa gói vào chiếc mo cau hoặc ép lon gô khi đi rừng, đi rẫy với muối mè, muối ớt, muối tiêu; trưa hè tắm sông, tắm suối… và những suy nghĩ, những câu nói mộc mạc hàng ngày của người thân.

Như tôi đây luôn nhớ những câu nói của ngoại “uổng tiền” khi mẹ tôi muốn mua cho ngoại một đôi dép mới thay đôi dép cũ đã đứt quai, thì ngoại nói: “Lấy cọng dây thép cột lại là đi được” hoặc “uổng tiền” khi mẹ mua về cho ngoại xấp vải kate để may thêm cho ngoại chiếc áo bà ba, thì ngoại nói “vừa mới vá xong hai cái, sạch là được, cần gì may thêm áo mới”… Ngoại là thế đấy, cả đời sống lam lũ, cực khổ vì con cháu. Có lần tôi nghe ngoại dặn mẹ: “Năm học mới gần đến rồi, cố gắng vun vén, nhịn ăn dành ít tiền mua sắm cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, đôi dép và cái nón mới, coi sao cho được một chút”. Năm tôi lên cấp ba thì ngoại đã ngoài bảy mươi, nhưng còn khỏe và rất minh mẫn. Ngoại tôi không hề biết chữ mà thứ gì ngoại cũng biết. Những điều ngoại nói ra, những việc ngoại lo cho gia đình, cho con cháu là bằng kinh nghiệm mà ông cha ta đúc kết từ đời này sang đời khác và đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

rau-muong.jpg
Ảnh minh họa.

Ngoại tôi kết thúc cuộc đời ở tuổi 93, ngoại sống qua hai cuộc chiến tranh rồi gánh hết những nhọc nhằn trong thời bao cấp. Ký ức tuổi thơ của tôi và những tháng ngày sống với ngoại cắp sách đến trường là chuỗi dài khó quên. Ngoại chăm lo cho anh em chúng tôi từng giấc ngủ, bữa ăn. Ở quê tôi, bây giờ là thủ phủ thanh long; nhưng những năm tám mươi của thế kỷ trước, cứ bước ra khỏi cửa nhà là rau lang, rau muống, mồng tơi, đọt bí… đầy ruộng. Đặc biệt những tháng sau tết, ra tháng giêng, tháng hai âm lịch ngọn rau gặp tiết trời mưa xuân, cộng với mấy ngày tết không ai hái; ngọn rau đã nhiều, mà lại mướt xanh. Tôi thích nhất là những ngọn rau muống căng mọng trong ao bên vườn nhà, nó len lỏi qua tất cả các loại rau, loại cỏ khác để vươn lên trên nên ít bị đất bám; chịu khó một tí là đã có ngay một rổ ngọn non tươi đem về. Món ăn tôi ưa thích nhất là rau muống luộc; ngoại luộc rau muống với vài trái cà chua để dùng giã nước mắm. Tô nước mắm, đập vài tép tỏi, ít đường và cà chua đã luộc chín trộn với nhau, gắp một đũa rau còn nghi ngút khói chấm vào chén nước mắm làm tê tê đầu lưỡi khi nhai những cọng rau xanh, non, mềm được cắn vỡ ra, ngọt bùi, vị thơm quấn vào nhau làm cho tôi nhớ tận tới bây giờ. Trong các bữa ăn, ngoại thường kể hình hài, dáng vóc và sức khỏe của ngoại được ông trời nuôi dưỡng, lớn lên từ cánh đồng đầy nắng, gió và những ngọn rau xanh non được hái trên cánh đồng nhà mình. Ngoại còn cho chúng tôi món rau muống xào tỏi trong những bữa cơm đạm bạc nơi quê nhà thời còn nhiều cực khổ gian nan. Tôi thấy ngoại đập sẵn tỏi, ngọn rau muống để xào chỉ luộc vừa tới, rồi phi tỏi cho thơm, thúc củi vào bếp cho lửa to lên, cho rau vào đảo nhanh tay, nêm chút muối và bột ngọt là nhắc khỏi bếp, trút ngay ra đĩa. Đưa đũa rau xào còn nghi ngút khói lên miệng, cả nhà có một bữa cơm chiều ấm áp sum vầy.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thay thế nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Đời sống từ nông thôn đến thành thị dần chuyển đổi; con người năng động, sáng tạo hơn; vì thế đời sống cũng khá giả hơn. Các bữa cơm trong gia đình đã có thịt, có cá và các món canh, món xào. Nhiều người con nhà nông, lớn lên cố gắng học hành cũng trở thành cán bộ nhà nước. Cũng có nhiều người nhà nông đã làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Từ đó, xuất hiện những buổi chiều rủ nhau đi ăn quán, đi tiếp khách nhà hàng. Những món ăn dân dã như rau muống luộc, rau muốn xào, củ, quả luộc… trở thành “đặc sản”, người ta có thể xào rau muống với thịt bò, làm gỏi rau muống với tôm khô trộn kèm; nước chấm bây giờ không chỉ mắm tỏi mà cũng có thể chấm xì dầu, nước tương, mắm kho quẹt. Nhưng đặc biệt là giá cả ở trên trời, nhiều lúc dân ăn nhậu nói vui rằng: “Một đĩa rau muống luộc bây giờ giá bằng cả gánh rau ngày xưa của ngoại”. Nhưng không phải ai cũng ưa những đổi thay đó, nhất là với những người quê như tôi đã từng qua thời kỳ gian khổ, thiếu thốn những năm tám mươi, đầu chín mươi của thế kỷ trước. Bây giờ về thăm quê được ăn những món rau muống luộc, rau xào là thay đổi khẩu vị, tránh thịt mỡ giảm cân, là chữa bệnh; còn một điều quan trọng nữa là khi ăn không chỉ để ăn mà còn để nhớ về một thuở cơ hàn, nghèo khó, ăn món quê hương gần gũi thân thương ân tình của cả một đời người đáng để nhớ.

Trúc Quyên