Bình Thuận: Tăng cường kiểm tra, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh phục vụ du khách

Pháp luật - Ngày đăng : 05:21, 27/03/2023

Nhằm đảm bảo cho công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh” thành công, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Thuận đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng giả. Đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá bán các mặt hàng công khai, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm phục vụ du khách tốt nhất. Phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Sơn – Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Thuận.

Thưa ông, xin ông cho biết tình hình thị trường trong tỉnh quý I/2023?

Ông Nguyễn Tiến Sơn: Trong quý, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, thị trường không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường.

So với cùng thời điểm năm 2022, năm nay tình hình giá cả hàng hóa nhìn chung không tăng so với năm trước. Kinh doanh xăng dầu trên địa bàn ổn định; không có cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động, bán giá cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, cắt giảm thời gian, số lượng bán ra.

20230324_093616.jpg
Ông Nguyễn Tiến Sơn – Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Thuận.

Theo như ông cho biết, với sức tiêu thụ mạnh thì thị trường dễ có hàng nhái, hàng giả trà trộn vào, vậy công tác kiểm tra kiểm soát thị trường của Cục như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Sơn: Trong quý I/2023 các đội quản lý thị trường đã bám sát chỉ đạo của Cục, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và đã kiểm tra 136 vụ, phát hiện và xử lý 70 vụ vi phạm (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2022), tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng hóa tịch thu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,163 tỷ đồng (tăng 388,49 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022). Riêng về xử lý đối với hàng giả, trong quý Cục đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 48 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 16,02 triệu đồng.

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các đội quản lý thị trường kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để biết, thực hiện và nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, theo dự đoán sẽ có lượng khách du lịch đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm nhiều hơn những năm trước. Vì vậy việc đảm bảo thị trường “sạch” không có hàng giả, hàng nhái giúp du khách “rót tiền” mua sắm, ngành QLTT đã chuẩn bị gì cho công tác này?

Ông Nguyễn Tiến Sơn: Cục Quản lý thị trường đã cử 2 đồng chí lãnh đạo Cục (1 đồng chí Cục trưởng, 1 đồng chí Phó Cục trưởng) tham gia Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 – “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Căn cứ kế hoạch của Ban tổ chức, Cục Quản lý thị trường sẽ thành lập các đoàn công tác do 1 lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn bám sát địa bàn trọng điểm du lịch để theo dõi, giám sát, nắm tình hình, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là quản lý về công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các điểm tổ chức sự kiện, tại các khu du lịch, điểm du lịch như: Mũi Né, Phú Quý, Tà Cú, Kê Gà…

Thực hiện Kế hoạch số 148/KH-QLTTBTH, ngày 16/2/2023 về tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023, Cục Quản lý thị trường không những chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn chỉ đạo các đội chú trọng công tác kiểm tra về tình hình giá cả hàng hóa trên địa bàn…

Vậy thưa ông các nội dung cụ thể của kế hoạch gồm những gì?

Ông Nguyễn Tiến Sơn: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 theo Quyết định số 38 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận. Xác định địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm đối với hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng cường kiểm tra giá cả hàng hóa, dịch vụ du lịch, ăn uống của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023, trong đó chú trọng các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nơi các đại biểu và khách du lịch lưu trú. Tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương để nắm tình hình, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Thực tế, công tác chuẩn bị cho hoạt động kiểm tra, xử lý hàng giả của lực lượng đã được Cục Quản lý thị trường chuẩn bị từ năm 2022, Cụ thể: Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Hiệp hội VACIP (Hiệp hội phi chính phủ chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp) tổ chức hội thảo phân biệt hàng thật – hàng giả năm 2022 đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu thuộc Hiệp hội như: NIKE, Unilever (bột giặt OMO, hạt nêm Knorr, HERMÈS, LEVI’S, BAT, UNDER AMOUR…) cho các công chức quản lý thị trường và lực lượng chức năng có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Với sự chỉ đạo và chuẩn bị trên, Cục Quản lý thị trường tin tưởng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh trong năm sẽ đạt hiệu quả cao hơn năm 2022, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và phát triển nhất là phục vụ du khách tốt nhất cho Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”…

Xin cảm ơn ông!

Nhị Thiên (thực hiện)