Tiếp tục có các giải pháp bảo đảm thuốc và trang thiết bị y tế

Đời sống - Ngày đăng : 05:39, 28/03/2023

Như chúng ta đã biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế bắt đầu xảy ra từ năm 2022. Theo đó, các bệnh viện lớn trong cả nước đều phản ánh tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đến dân sinh chứ không chỉ riêng ngành y tế nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời.
dau-thau-thuoc-284-16779476711831041042052.jpg

Tỉnh Bình Thuận cũng nằm trong tình trạng trên, năm 2022 tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ mang tính cục bộ, tập trung chủ yếu vào cuối quý II, đầu quý III năm 2022 và chỉ thiếu trong một khoảng thời gian ngắn, không có trường hợp thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài. Các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế cũng được khắc phục sớm từ 1 đến 2 tuần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do dự báo chưa sát tình hình sử dụng, dẫn đến việc mua sắm, nhập kho không kịp thời, thị trường cung ứng thuốc, vật tư y tế rất khó khăn, có trường hợp khan hiếm và có cả trường hợp không có thuốc, vật tư để mua. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên liệu sản xuất thiếu, hiếm, chuỗi sản xuất bị đứt gãy ở một số khâu, dẫn đến việc cung ứng các mặt hàng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện các giải pháp đồng bộ để luôn bảo đảm có đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất, vật tư y tế phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh. UBND tỉnh còn yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố xem việc bảo đảm có đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất, vật tư y tế phục vụ các hoạt động phòng chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và là công việc thường xuyên. Trước tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành phải khẩn trương giải quyết tình trạng khan thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện lớn vẫn đang phải đối mặt với việc dừng hoạt động vì thiếu thuốc, thiếu hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, quyết nghị một số nội dung sửa đổi quan trọng đó là: Sửa đổi khoản 4, Nghị quyết số 144/NQ-CP, ngày 5/11/2022 của Chính phủ như: “Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Đối với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022, thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022, thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua…”. Trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu (Chủ đầu tư) quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua. Cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023…

Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế hoàn thành trong quý II/2023. Sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, hoàn thành trong quý III năm 2023. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, hoàn thành trong quý III năm 2023. Xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng, hoàn thành trong quý III năm 2023. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, hoàn thành trong quý II năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm khẩn trương hướng dẫn kịp thời, cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền. Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế. Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định…

THANH QUANG