Gia súc thả rông: Chớ xem thường!

Đời sống - Ngày đăng : 05:45, 28/03/2023

Câu chuyện về thực trạng gia súc thả rông đã gây bức xúc trong dư luận nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, thậm chí còn gây tai nạn giao thông chết người, nhưng việc xử phạt hành chính về hành vi thả rông trâu, bò nơi công cộng dường như chưa đủ sức răn đe!

Trâu bò “tung tăng” dạo phố

Thời gian gần đây, không ít người dân xã Chí Công, Hòa Minh, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong) phản ánh về việc bò thả rông khắp các điểm công cộng, phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Không chỉ bò “tung tăng” dạo phố, chắn hết lối dành cho phương tiện giao thông qua lại, mà bò còn tự do vào khu dân cư, các hẻm nhỏ, bới lục thùng rác, thậm chí ngang nhiên vào thẳng nhà dân, gây bất an cho trẻ nhỏ lẫn người lớn. Thực trạng này không mới, cứ lặp đi lặp lại, gây phiền hà cho người dân và đây là một trong những nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông chết người thời gian qua.

z4213327324710_b7b34865eba19602cedd8234091f0fa0.jpg
Bò tung tăng, chắn cả lối dành cho phương tiện giao thông

Trước thực trạng đó, xã Chí Công và thị trấn Liên Hương là 2 địa phương của huyện đã tiên phong mạnh tay xử lý vấn nạn này. Theo đó, 2 địa phương đã treo thưởng cho bất cứ ai bắt được 1 con bò thả rông sẽ được “thưởng nóng” 500.000 đồng, 1 con dê 200.000 đồng và số tiền này sẽ do chủ nhân khi nhận lại bò, dê chi trả kèm theo mức xử phạt hành chính theo Nghị định 144 của Chính phủ. Đồng thời, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động bà con ký cam kết, chấp hành việc chăn nuôi gia súc có người chăn dắt, đảm bảo chuồng trại đúng quy định và chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

z4213327371849_9908eb4e4cedec0616d776914c09ec99.jpg
Bò vào khu dân cư... ăn rác
z4213327353009_6fd5f760cc0c1b27f0f72aebea76fa7a.jpg
... thậm chí vào sân nhà dân

Sau một thời gian ngắn quyết liệt xử lý, xã Chí Công đã xử phạt hơn 10 trường hợp thả rông bò trong khu dân cư. Mới đây, thị trấn Liên Hương cũng đã xử phạt hành chính 4 chủ chăn nuôi với khoảng 20 con bò. Việc ra quân mạnh tay xử lý nạn bò, dê thả rông trong khu dân cư gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị được người dân địa phương đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, sự việc lại tái diễn.

Theo lãnh đạo các địa phương, việc xử lý bò thả rông gặp nhiều vấn đề phát sinh như: gia súc thả rông từ các địa phương lân cận di chuyển đến, việc bắt, tạm giữ gia súc vi phạm cần nhân lực và chuồng trại để nuôi nhốt… nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác xử lý vi phạm. Chưa kể, địa phương không có lực lượng canh giữ cũng như kinh nghiệm chăm sóc đàn gia súc trong suốt thời gian chờ chủ đến giải quyết. Nhiều trường hợp chủ đàn bò, dê không chịu đến nhận; thậm chí nếu bò hoặc dê không may chết sau một thời gian bị nhốt trong chuồng, thì chính quyền địa phương cũng gặp khó trong vấn đề xử lý.

Nâng mức xử phạt để răn đe

Theo phản ánh của người dân, việc xử lý không dứt điểm vấn nạn này là do hình thức xử phạt hành chính còn nhẹ, nên chủ vật nuôi có phần lơ là. Mặc dù các hộ chăn nuôi viết cam kết nhiều lần, nhưng họ cứ vô tư tái phạm, bởi theo Nghị định 144 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, chủ vật nuôi chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng. Mặc dù Nghị định này thay thế Nghị định 167 ngày 12/11/2013, nhưng mức xử phạt chỉ nâng lên 200.000 đồng cùng hành vi thả rông động vật nơi công cộng. Qua đó cho thấy, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe, dẫn đến sự việc cứ tái đi tái lại, gây phiền hà cho dân và tiềm ẩn những tai nạn giao thông không đáng có. Trường hợp để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chỉ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng (theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

z4213327362511_1469933fe07bfa913d47a8848c9e32e5.jpg

Những năm gần đây, trong quá trình đô thị hóa, nhiều nông dân không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề nên cố gắng thoát nghèo bằng cách theo đuổi việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với những trường hợp này, nhiều địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xử lý, do tâm lý không muốn làm khó, “triệt đường” làm ăn của bà con. Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề này, bên cạnh việc xử lý theo quy định, cần phải kết hợp các biện pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và điều quan trọng nhất là chính quyền phải có cơ chế khuyến khích để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống... Đồng thời, ngành chức năng cần nâng mức xử phạt hoặc chính quyền “treo thưởng” cao hơn để răn đe, khuyến khích người dân cùng chung tay để dẹp nạn gia súc thả rông, góp phần tạo mỹ quan đô thị và hạn chế thấp nhất những trường hợp tai nạn giao thông do gia súc gây ra.

z4213327334794_544ea300207d90d8c8c43765b502a4b0.jpg
Cần nâng mức xử phạt đối với chủ vật nuôi khi thả rông gia súc

Trong trường hợp thả hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp thả rông để chó cắn, bò húc chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Song Nguyên