Thông tin thời sự chuyên đề phát triển kinh tế đêm, kinh tế đô thị

Xã hội - Ngày đăng : 09:47, 29/03/2023

BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin thời sự quý I/2023 chuyên đề “Phát triển kinh tế đêm, kinh tế đô thị tạo đòn bẩy cho du lịch Bình Thuận phát triển” bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu các huyện, thị, thành uỷ và Trường Chính trị tỉnh.

img_0164.jpg
Đại biểu dự hội nghị tại Trung tâm hội nghị tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin thời sự chuyên đề “Phát triển kinh tế đêm, kinh tế đô thị tạo đòn bẩy cho du lịch Bình Thuận phát triển” xung quanh nội dung trọng tâm như: Kinh tế ban đêm, nội hàm, điều kiện; các kinh nghiệm của quốc tế về kinh tế ban đêm; vấn đề, giải pháp để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng…

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, kinh tế ban đêm là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày, kéo dài từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, tạo thành cuộc sống kinh tế ban đêm. Đó là một nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực và nguồn lực đặc thù: Dịch vụ, tiêu dùng (ẩm thực, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí…) đóng vai trò chính. Đây là lợi thế cạnh tranh mới của phát triển đô thị hiện đại.

dsc_9417.jpg
GS.TS Trần Đình Thiên thông tin thời sự chuyên đề phát triển kinh tế đêm.

Kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động chính như: Giải trí ban đêm (gồm các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện), du lịch đêm (tham quan ở các địa điểm tập trung khách du lịch), dịch vụ ẩm thực đêm (gồm: nhà hàng, quán bar...), và các hoạt động mua sắm (chợ đêm, khu mua sắm, trung tâm thương mại,...) thường phát triển, phổ biến ở các khu vực tập trung đông người như khu đô thị và khu du lịch – dịch vụ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới cho đô thị hiện đại.

Kinh tế đêm tạo việc làm, thu nhập quan trọng cho cá nhân, nguồn thu ngân sách địa phương. Điều đó đòi hỏi các địa phương cần nhanh chóng thúc đẩy du lịch, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vắng vẻ vào đêm. Hiện nay, phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được việc phát triển kinh tế ban đêm, sẽ phải trải qua nhiều thách thức.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tỉnh Bình Thuận có tiềm năng về phát triển du lịch. Việc phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị sẽ tạo cơ hội tốt để tỉnh thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị, tỉnh cần phải nghiên cứu bài bản, kỹ càng, có cơ chế triển khai và cách tiếp cận mới. Cùng với đó, quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính chiến lược...

Hội nghị thông tin thời sự chuyên đề “Phát triển kinh tế đêm, kinh tế đô thị tạo đòn bẩy cho du lịch Bình Thuận phát triển” đã cung cấp, cập nhật thông tin cho cán bộ chủ chốt của tỉnh để từ đó nhìn nhận, đánh giá khách quan nhằm có những định hướng phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh trong tương lai.

T.HÀ. Ảnh: Đ. Hoà