Bệnh sốt xuất huyết gia tăng

Đời sống - Ngày đăng : 05:56, 31/03/2023

Không ít trường hợp là cả gia đình đều bị mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) gồm cha, mẹ và các con đều nhập viện. 2 tuần gần đây, trung bình số ca mắc tăng hơn so với các tuần trước đó.
dieu-tri-sxh-khoa-nhi.jpg
Điều trị SXH tại khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận

Cả nhà mắc bệnh

Chị Nguyễn Thanh Kim T. (Hàm Thuận Bắc) có con 5 tuổi, đang được điều trị bệnh SXH tại khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Chị T. cho biết: Mọi người trong nhà và những nhà lân cận không có ai mắc bệnh SXH. Lúc đầu bé sốt liên tục ở nhà, gia đình không nghĩ con mình mắc bệnh này. Khi vào viện, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh SXH.

Cũng tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, trường hợp khác là trong gia đình có 3 người đều mắc bệnh SXH gồm mẹ nằm điều trị ở Khoa Truyền nhiễm, còn 2 con thì nằm điều trị Khoa Nhi. Theo Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, nhiều trường hợp cả gia đình bị mắc bệnh SXH. Cha mẹ mắc bệnh nhập viện trước; sau đó vài ngày, các con trong nhà cũng nhập viện. Trước đây, khoa tiếp nhận nhiều ca bệnh SXH đến từ Mũi Né (Phan Thiết). Thời gian gần đây, dịch tễ có sự thay đổi, khoa điều trị nhiều ca bệnh SXH từ Phú Long (Hàm Thuận Bắc).

Trung tâm Y tế Hàm Tân cho biết: Tháng 7/2022, Hàm Tân ghi nhận 1 ca tử vong do SXH (nam bệnh nhân) ở xã Tân Thắng. Kế tiếp, người em trai của bệnh nhân này cũng mắc bệnh SXH, kịp thời chuyển tuyến trên. Các bác sĩ tích cực chăm sóc, điều trị, nhưng không qua khỏi. Người em gái cũng mắc bệnh này, nhưng ở thể nhẹ và được điều trị khỏi bệnh. Như vậy, trong gia đình có 3 anh em mắc bệnh SXH và làm 2 người tử vong.

Bệnh SXH không lây trực tiếp qua đường hô hấp hay tiếp xúc từ người sang người; mà do vật trung gian - muỗi vằn đốt hút máu người mắc bệnh SXH hoặc người nhiễm vi rút Dengue, nhưng không biểu hiện triệu chứng (người lành mang vi rút); tiếp đó đốt sang người lành và truyền vi rút mang mầm bệnh. Do đó, sốt xuất huyết có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt. Nếu không có biện pháp phòng chống, bệnh có nguy cơ phát triển thành dịch.

Gia tăng ca mắc

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc SXH ở 10 huyện, thị, thành phố, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong 2 tuần gần đây, trung bình hơn 190 ca/tuần, tăng hơn so với các tuần trước đó. Số ca mắc cao tại 3 huyện gồm Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc; chiếm 58,4% tổng số ca mắc toàn tỉnh. Nhóm trẻ dưới 15 tuổi là nhóm đối tượng mắc SXH chủ yếu, chiếm trên 62%.

Theo Bộ Y tế, 2 tháng đầu năm 2023 cả nước ghi nhận khoảng 13.000 ca SXH tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022; đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực phòng, chống SXH trước, trong mùa dịch.

Theo đó, Sở Y tế Bình Thuận kêu gọi người dân chủ động phòng, chống SXH. Bằng cách lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng; diệt lăng quăng; ngủ mùng tránh muỗi đốt, tránh lây bệnh cho người khác. Khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế tuyến huyện chủ động tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện giám sát chặt tình hình dịch bệnh trên địa bàn; xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch SXH; phun hóa chất 100% các hộ gia đình ở khu vực ổ dịch. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH.

TRANG MINH