Chủ động cân đối hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc

Kinh tế - Ngày đăng : 06:02, 31/03/2023

Từ tuần cuối tháng 3/2023, lượng hàng hóa nông sản, trái cây tươi từ các tỉnh, thành trên cả nước được vận chuyển lên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng dần…

Tình hình này vừa được Sở Công Thương Bình Thuận thông tin trong công văn “khẩn” gởi đến các sở ngành, địa phương, đơn vị, Hiệp hội Thanh long, hợp tác xã, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sở chức năng cũng cho biết hiện có lượng lớn phương tiện sau khi giao trả hàng hóa (xe không) lưu lại các bãi xe tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Do xe không bên Việt Nam chờ lấy hàng nhập khẩu và xe không bên Trung Quốc chờ lấy hàng xuất khẩu, làm thủ tục xuất cảnh… khiến cho sức chứa xe hàng mới trong các bến bãi đã giảm đáng kể. Được biết, số lượng phương tiện đi vào khu vực cửa khẩu cũng quá tải so với mặt bằng sử dụng của bến bãi, cùng với năng lực thông quan như hiện nay thì để giải phóng lượng xe chở hàng hóa đang tồn chờ xuất khẩu tại các bến bãi cần khoảng hơn 5 ngày.

5123_img_8761-2114-1-.jpg
Các doanh nghiệp địa phương cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại cửa khẩu biên giới phía Bắc (Ảnh minh họa từ Internet).

Dự báo thời gian sắp tới, nhất là trong bối cảnh vào mùa vụ thu hoạch hàng nông sản của hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng, mua bán và thông quan tại tất cả các cửa khẩu đường bộ đều tăng mạnh. Lượng phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu có thể tiếp tục được dồn về, gây ra tình trạng ùn ứ diện rộng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị lẫn Cửa khẩu Tân Thanh. Do đó có thể gây khó khăn cho công tác điều tiết phương tiện, giữ gìn an ninh trật tự, công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm trì trệ năng lực thông quan xuất khẩu hàng hóa và phát sinh tăng chi phí, thiệt hại về kinh tế cho lái xe, doanh nghiệp…

Chính vì vậy, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện - thị xã - thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Thanh long phối hợp triển khai một số nội dung liên quan. Cụ thể là khẩn trương thông báo tình hình đến doanh nghiệp, Hợp tác xã thành viên tham gia hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn cũng như các cửa khẩu biên giới phía Bắc được biết, qua đó có kế hoạch sản xuất, đưa hàng lên phía cửa khẩu hợp lý.

Đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã chế biến, xuất khẩu thanh long trên địa bàn Bình Thuận cần thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Nhất là về năng lực bến bãi, tiến độ thông quan, phương thức giao nhận để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết phương tiện chở hàng, tránh phát sinh ùn ứ hoặc những tác động bất lợi khác.

Đồng thời chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn cũng như cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc về năng lực thông quan hàng hóa, lượng xe hàng chờ xuất khẩu. Đặc biệt là trong thời điểm vào mùa vụ thu hoạch và xuất khẩu của nhiều mặt hàng trái cây tươi… từ đó cân nhắc, đánh giá khả năng xuất khẩu để điều tiết phương tiện chở hàng cũng như xây dựng phương án sản xuất, xuất khẩu hợp lý. Ngoài ra cũng kịp thời nắm bắt, cập nhật những chính sách thay đổi bên phía Trung Quốc nhằm góp phần điều phối hoạt động xuất nhập khẩu một cách chủ động, thông suốt và hiệu quả. Bên cạnh đó còn chủ động chuẩn bị các giấy tờ theo quy định để thuận tiện trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và khai báo thông tin trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào khu vực cửa khẩu…

Liên quan vấn đề này, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với sở đồng chức năng của các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình. Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo đến doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Đ.QUỐC