Sâu nặng tình quê
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:05, 31/03/2023
37 bài trong tập sách là những bài viết đã được đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh thời gian qua, được các tác giả chọn lọc, sắp xếp lại thành 3 phần của tập sách được ấn hành lần này.
Lướt qua một số nội dung tập sách
“Bình Thuận – Quê xưa gió biển hương đồng” giúp người đọc tiếp cận, có những thông tin lý thú, đặc sắc của khá nhiều nội dung về quê hương:
Phần Địa danh một thuở giúp độc giả có dịp nghe các tác giả trò chuyện về đảo Phú Quý qua sách xưa của nhà bác học Lê Quý Đôn, đạo Phố Hài xưa, về tên đình Tú Luông, về tên dòng sông Cà Ty, về xóm Lụa, vùng đất Ma Lâm, về những câu ca dao có địa danh Bình Thuận…
Phần Dáng hình xứ sở đưa đến nhiều góc nhìn về một số nghề nghiệp của bà con ở quê hương: nghề làm nước mắm, nghề câu cá mập và đan võng dứa gai ở Phú Quý; về những đình làng cổ ở Phan Thiết, về dinh Vạn Thủy Tú, về vị Tổ khai sơn chùa Linh Sơn Trường Thọ trên đỉnh núi Tà Cú, về Văn miếu ở Bình Thuận, về hồ Sông Quao, về ba chiếc cầu trên dòng sông Cái, cùng những sinh hoạt lễ hội của bà con ngư dân theo đặc trưng nghề nghiệp…
Bóng người xưa, phần 3 của tập sách, giúp độc giả được biết câu chuyện công chúa Bàn Tranh ở Phú Quý, Đền Thiên Y A Na ở Phan Rí Thành, tín ngưỡng thờ ông Trấn Bắc ở Phú Quý, người Bình Thuận được thờ ở Văn Miếu Trấn Biên, được tìm hiểu về bài Văn bia ở mộ phần của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông do chính nhà thơ là tác giả; ngoài ra còn có bài Văn bia ở khu mộ của ông bà Nguyễn Quý Anh và Lý Thu Liên (con trai và con dâu của cụ Nguyễn Thông) do ông Hồ Tá Bang viết, và những đóng góp của người cháu ông Hồ Tá Bang là giáo sư Michel Hồ Tá Khanh, người có công lớn trong việc chuyển giao công nghệ xây dựng hồ thủy lợi cho rất nhiều công trình ở Bình Thuận… Cùng khá nhiều những nội dung khác.
Tấm lòng sâu nặng với quê hương
Bốn tác giả, tuổi đời khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, song đều là những người con của quê hương Bình Thuận. Đọc 37 bài viết trong tập sách, để thấy các tác giả cùng mang trong lòng một tình yêu quê hương sâu nặng. Yêu quê hương lắm, thích tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa, những truyền thống, tín ngưỡng, một vài nghề nghiệp của quê hương, để các anh dành không ít thời gian đọc những tư liệu lưu trữ xưa và nay, đến tận nơi thăm những công trình, những di tích văn hóa, lịch sử, đi điền dã nắm bắt thực tế, hỏi thăm những bậc cao niên, những người am hiểu nghề nghiệp, từ đó, hình thành những bài viết phong phú về tư liệu, có không ít bài dạt dào cảm xúc.
Cùng với khá nhiều những tấm ảnh lưu dấu những công trình kiến trúc, những nét sinh hoạt nghề nghiệp của bà con quê hương Phan Thiết, có rất nhiều trang sách để lại những ấn tượng với bạn đọc. Bằng lối viết, cách hành văn khác nhau, các tác giả đã gởi đến những bài viết tạo những cảm nhận khác biệt nơi người đọc.
Với tác giả Võ Ngọc Văn, qua bài viết “Chuyện kể ở Phú Hài”, bạn đọc biết được chi tiết thú vị: “Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trọn trong đạo Phố Hài của trên 300 năm trước (1697) từ cửa sông Roòn (Duồng) đến sông PaJai (Phố Hài)”. Cũng với Võ Ngọc Văn, rất nhiều câu ca dao sưu tầm được ở Bình Thuận được anh đưa vào bài viết “Đậm đà câu hát quê hương”. Thật lòng, tôi rất xúc động khi đọc bài viết này. Bởi tôi tìm thấy hình ảnh những người dân miền biển quê mình trong đó. Đọc bài viết, tôi thêm yêu biển quê hương, yêu nước mắm Phan Thiết, yêu những món ăn dân dã đã góp phần làm nên máu thịt của những người con Bình Thuận thân thương. “Dinh xưa còn đó” giúp độc giả biết được: năm 2023, là tròn 20 năm ngày thành phố Phan Thiết đầu tư xây dựng nhà trưng bày bộ cốt Ông dài 22m tại Dinh Vạn Thủy Tú, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.
Với tác giả Hoàng Hạnh, từ lòng yêu thích câu chữ Hán Nôm, anh thường xuyên ghé thăm các đình chùa miếu mạo. Chiêm nghiệm câu chữ người xưa, anh suy tư về những vấn đề của ngày nay. Trong bài “Suy nghĩ từ những đình làng cổ ở Phan Thiết”, anh đã viết: “Tuy nhiên vẫn có một điều đáng bàn là hiện nay, người ta thường nói có công mà không nói có công đức như trong các đình làng xưa. Người có công mà không nghĩ mình có công, vẫn thực hành: cần kiệm liêm chính, mình vì mọi người là người có công đức. Người có công đức được tôn vinh là tấm gương cao quý, sống động, được mọi người kính phục tự giác noi theo, sẽ làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.
Tác giả Hà Ngân lại đem đến cho tôi ấn tượng khó quên khi đọc bài “Vùng đất Phú Long, chuyện thú vị”. Người đọc nhận ra, có khi sự mua bán thành công lại bắt đầu từ việc cải tiến một món ăn dân dã, để nó trở thành một món ăn đậm vị, tăng độ hấp dẫn lên nhiều lần. Được người bán chăm chút, hâm nóng khi bán cho khách, món bánh hỏi lòng heo Phú Long đã trở nên ngon hơn rất nhiều, giúp những người nghĩ đến cách cải tiến nó cũng đổi đời.
Tỉnh Bình Thuận chúng ta thuộc vùng khô hạn, để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, cần có nguồn nước mát vào mùa khô để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lãnh đạo tỉnh và bà con nông dân tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác thủy lợi. Tháng 10/1986, Hội đồng Bộ trưởng quyết định đầu tư xây dựng, phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật hồ thủy lợi Sông Quao. Bài “Hồ Sông Quao, chuyện bên mặt nước xanh” cũng của tác giả Hà Ngân đã cung cấp cho độc giả: “Cuối tháng 9/1988, lễ khởi công xây dựng hồ thủy lợi Sông Quao diễn ra”, “Ngoài các đơn vị thi công chuyên nghiệp, nhân dân huyện nhà cũng góp tay, chung sức xây dựng công trình quan trọng này”, “Ngày 16/12/1997, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận Bắc tổ chức mít tinh trọng thể khánh thành hồ thủy lợi Sông Quao. Khi hoàn thành đã tưới 10.500 ha; đến năm 2000, nâng diện tích gieo trồng được tưới ổn định lên 23.000 ha”…
Với bài “Văn miếu Bình Thuận”, tác giả Hà Ngân đã cung cấp cho độc giả những nội dung khảo cứu công phu của anh, cùng việc đi thực tế tìm về địa danh xưa, thuộc tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa ngày trước. Theo đó, “Văn miếu là nơi thờ vị thánh văn, được hậu thế tôn vinh “Vạn thế sư biểu” - Khổng Tử. Bài viết có đoạn: “Bình Thuận là một trong những dinh, trấn sớm xây dựng Văn miếu”, “Văn miếu Bình Thuận được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1803 đến trước năm 1806”…
Thầy giáo trẻ Đỗ Thành Danh đã góp vào tập sách 13 bài viết, trong đó, phần viết về Phú Quý đã có đến 8 bài. Việc giảng dạy ở huyện đảo đã tạo điều kiện để anh đi sâu tìm hiểu về một vài nghề đặc trưng của Phú Quý cùng những tín ngưỡng của bà con ở đảo. Đặc biệt, tác giả Đỗ Thành Danh đã dành nhiều công sức tìm đọc rất nhiều tư liệu, cùng tìm hiểu ở những người am hiểu về nghề làm nước mắm để hình thành bài viết: “Vài nét về nghề làm nước mắm ở Bình Thuận thời Pháp thuộc”. Bài viết chỉ 7 trang sách, nhưng đã giúp người đọc có cái nhìn khái quát về nghề làm nước mắm ở Bình Thuận thời Pháp thuộc, từ quan điểm của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lúc mới sang nhậm chức năm 1897, đến việc đưa những thùng gỗ lớn vào sản xuất nước mắm, nước mắm đóng tĩn, việc vận chuyển và thị trường tiêu thụ, cùng những sự cạnh tranh mà những nhà hàm hộ gặp phải những thập niên đầu thế kỷ XX.
Trong khuôn khổ của một bài báo, người viết chỉ xin lược trích một số bài viết, và đây chỉ là một phần trong chuỗi những bài viết của mỗi tác giả trong tập sách.
Đôi điều đọng lại
Với tấm lòng sâu nặng với quê hương, các tác giả đã dành nhiều công sức, trí tuệ để 37 bài viết mang hàm lượng thông tin cao, được trao gởi đến độc giả. Những địa danh, những nghề truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng, tín ngưỡng của bà con các vùng miền của Bình Thuận rất cần có những công trình nghiên cứu, tìm hiểu tỉ mỉ. Biết những công việc, những công trình, những nét sinh hoạt, cuộc sống của những thế hệ trước là điều hết sức cần thiết đối với người của ngày nay. Bởi, có biết những gì cha ông đã đổ công sức, trí tuệ để xây dựng trước đây thì những con người của quê hương mới thêm yêu xứ sở, thêm kính phục tiền nhân.
“Bình Thuận – Quê xưa gió biển hương đồng” có khi nào, là những gợi ý để những anh chị có trách nhiệm soạn thảo nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 chọn lựa những phần phù hợp, đưa vào những bài Giáo dục địa phương cấp trung học của tỉnh Bình Thuận thời gian tới?
Tỉnh Bình Thuận chúng ta được chọn là nơi tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Hy vọng “Bình Thuận – Quê xưa gió biển hương đồng” hợp cùng những tập sách khảo cứu về Bình Thuận của những tác giả khác, sẽ đem lại những thông tin bổ ích, lý thú đối với du khách gần xa, trong những ngày du khách đến trải nghiệm những cảnh sắc tươi đẹp của biển trời, thưởng thức hương vị ngọt ngào của đặc sản quê hương, cùng chan hòa tình cảm ấm nồng với người Bình Thuận.