Thả hơn 60.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Sông Quao

Kinh tế - Ngày đăng : 11:55, 01/04/2023

BTO-Sáng 1/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức thả cá giống xuống hồ chứa nước Sông Quao, xã Hàm Trí ( Hàm Thuận Bắc) để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
unnamed-1.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Phan Văn Đăng phát biểu tại lễ thả cá

Ông Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng với lãnh đạo các ban ngành đã tham dự sự kiện này. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá (1/4/1959 - 1/4/2023) và ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

unnamed-5.jpg
Ông Phan Văn Đăng (thứ hai từ trái qua) tại lễ thả cá

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hoạt động thả giống thủy sản bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là một việc làm ý nghĩa; không chỉ giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động trong ngành và các cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể và toàn thể nhân dân trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

unnamed-12.jpg
Từ trái qua: Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đại Đức Thích Nguyên Nguyệt 

Tại đây, hơn 60.000 con cá giống nước ngọt phổ biến gồm các loại như: cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép… với kích cỡ từ 5-7 cm, không dị tật, không trầy xước, khỏe mạnh, màu sắc sáng bóng đã được thả xuống hồ.

Hồ Sông Quao có dung tích thiết kế 73 triệu m3, diện tích mặt thoáng khoảng 550 ha, có nguồn nước ổn định, chất lượng nước tốt. Các loại cá thả lần này được chọn từ cơ sở ươm và sản xuất cá giống có uy tín, giống được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng và có tính thích nghi cao, sinh trưởng phát triển tốt trong hệ sinh thái hồ. Được biết, toàn bộ kinh phí gồm mua, vận chuyển con giống… được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa, huy động đóng góp từ các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội ngành thủy sản…

unnamed-2.jpg
unnamed-7.jpg

Phát biểu tại lễ thả cá, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các sở ngành chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, hội viên hội đoàn thể và người dân trong bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục duy trì hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực, góp phần phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

Bình Thuận là tỉnh có truyền thống nghề cá lâu đời. Với vị trí địa lý thuận lợi, vùng biển rộng lớn, nguồn lợi phong phú gồm nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn sống của cư dân vùng biển, đảo và có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi tự nhiên, sự hình thành hệ thống hồ, đập thủy lợi được đầu tư qua nhiều thời kỳ với tổng dung tích chứa khoảng 342 triệu m3, diện tích mặt nước rộng hàng ngàn ha không chỉ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn tạo ra môi trường sống thuận lợi cho nhiều giống loài thủy sản nước ngọt sinh trưởng, phát triển.

unnamed-2.jpg

Song những năm gần đây, ngành thủy sản của tỉnh đang đối diện với nhiều thách thức, môi trường sống bị đe dọa, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác thiếu trách nhiệm của con người. Vì vậy, việc thả giống thủy sản bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là một vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện.

unnamed-8.jpg
unnamed-6.jpg

unnamed-13.jpg
unnamed-11.jpg

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp để quản lý bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như: ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án và các hoạt động thiết thực, nhất là thả bổ sung nguồn lợi thủy sản vào các thủy vực nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Quang Nhân