Ứng xử và mạnh tay “dọn rác” trên không gian mạng
Xã hội - Ngày đăng : 07:18, 03/04/2023
Xã hội hiện đại, mọi người thường nhắc nhau về kỹ năng ứng xử nơi công cộng, công sở, trường học, trong gia đình... mà dường như chưa đề cập nhiều đến kỹ năng ứng xử trên MXH. Một cá nhân có thể tham gia nhiều MXH khác nhau với danh tính được công khai, cũng có thể ẩn danh, thậm chí mạo danh người khác. Có trường hợp 1 người tham gia MXH với nhiều tài khoản khác nhau.
Khi tham gia môi trường mạng, nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh đẹp về đất nước, quê hương, về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng; phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc; hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa, văn minh, thanh lịch và sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không “vào hùa” theo đám đông khi chưa hiểu rõ về việc nào đó hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và làm xáo trộn cuộc sống riêng tư.
Cùng với mặt tích cực, lĩnh vực này đã xuất hiện nhiều tiêu cực, thậm chí được coi là “rác” văn hóa. Với môi trường “mở”, MXH đang bị “ô nhiễm” đến từ sự vô tình hay thậm chí cố ý của một thiểu số người dùng MXH khi lan truyền thông tin sai trái, phát tán hình ảnh phản văn hóa, hay nội dung “đội lốt” sản phẩm “văn hóa nghệ thuật”, đặc biệt là tình trạng “tin giả nhưng hiểm họa thật” đang làm lây lan “vi rút độc hại” trên không gian mạng. Với muôn hình vạn trạng trên MXH, nhưng có thể đặt một cái tên chung: Rác mạng.
Trong không gian mạng có “rác” mà không dọn thì ảnh hưởng đến “não” người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Vấn đề cấp bách đòi hỏi mỗi người dùng MXH có ý thức “dọn rác” của mình và không xả rác bừa bãi, sau đó mới tính đến “công cụ quét rác”. Do đó, cần lắm sự chung tay của người dùng, truy cập MXH làm sạch “rác” trên không gian mạng và xem đây là trách nhiệm không của riêng ai.
Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng của cơ quan chức năng, người dùng cần tỉnh táo trong việc chọn lọc kênh thông tin sạch, an toàn. Giải pháp lâu dài là phải đưa giáo dục, kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông. Việc học sinh, sinh viên ý thức và tiên phong phản đối những thông tin xấu, độc trên MXH càng cho chúng ta thấy một niềm tin về quy luật “cái thiện luôn chiến thắng cái ác, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa”. Do vậy, rất cần trang bị, giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ khi tham gia MXH, biết chọn lọc thông tin tin cậy, phản biện khoa học, giải trí lành mạnh, không xem những nội dung nhảm nhí, phản cảm, bạo lực, tuyên truyền sai lệch.
Đồng thời các cơ quan chức năng cần rà soát, phát hiện, đấu tranh, lên án, xử lý, xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi cố tình đưa những thông tin bịa đặt, sai sự thật lên MXH, hành vi xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...
Thực hiện các giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ, vô hiệu hóa các thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật và tiếp tục nghiên cứu áp dụng giải pháp kỹ thuật mới về công nghệ thông tin, về truyền thông để phục vụ cho công tác nắm bắt, tổ chức đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật, phát tán các hình ảnh, video phản cảm và độc hại để hạn chế tối đa tiêu cực trên MXH.
Tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động, kịp thời cung cấp rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội. Bóc gỡ các thông tin sai sự thật cũng như việc “dọn rác” trên không gian mạng, là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người tham gia MXH.
Cuối cùng, chúng ta cần các chương trình truyền thông giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng bởi văn hóa sử dụng MXH không thể làm thay đổi nhận thức một tài khoản ảo không có thật. Đồng thời thực hiện đúng với Bộ quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đây được kỳ vọng là một trong những phương tiện hữu hiệu nhằm ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi tình trạng ngập tràn “thông tin rác” vốn đã và đang rất phổ biến trên không gian mạng.
Có làm như vậy, chúng ta mới làm lành mạnh hóa không gian mạng; người dân đặc biệt là giới trẻ không bị “u mê” bởi các kênh thông tin không đúng sự thật trên MXH. Lợi nhuận chảy vào túi các nhà mạng, các công ty, không ít người dân “vô tình” mất cả tiền, mất cả niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Hãy cảnh giác, lên án, cùng nhau ứng xử có văn hóa và mạnh tay “dọn rác” trên MXH, để ngày ngày mọi người dùng tiện ích hơn khai thác, lưu chọn và sử dụng thông tin hữu ích hơn trên không gian mạng.