Phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 04:57, 04/04/2023
Như chúng ta đã biết, kinh tế ban đêm không phải là mô hình mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Đối với Việt Nam cũng đã hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam có dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu. Trên thực tế, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí. Hiện nay cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ.
Tại TP. Hồ Chí Minh có chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện luôn đông đúc. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh còn hình thành các khu phố kinh doanh về đêm tập trung vào ẩm thực, cà phê, trình diễn nghệ thuật. Tại tỉnh Lâm Đồng, cũng đã có nghị quyết về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có nội dung nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Đà Lạt và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đây có thể coi là bước đột phá mới trong phát triển kinh tế đêm của Đà Lạt nói riêng, du lịch và kinh tế tỉnh Lâm Đồng nói chung, thực sự tạo nên sức hút mới đối với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Quảng Ninh có phố đêm du thuyền, được bố trí dọc 2 bên cầu cảng của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Còn TP. Cần Thơ phát triển kinh tế ban đêm đã chú trọng vào việc khai thác giá trị văn hóa bản địa tạo nên nét khác biệt chỉ có miền Tây mới có như: Văn hóa sông nước, đờn ca tài tử, lễ hội…
Tỉnh Bình Thuận có lợi thế có nhiều thắng cảnh tự nhiên chạy dọc 192 km bờ biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ hoang sơ trong vùng lãnh hải 52.000 km2, cùng với đó là hàng loạt dự án về hạ tầng cơ sở, giao thông sẽ là cơ hội tốt để ngành du lịch Bình Thuận phát triển. Với những lợi thế đó, năm 2021 tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh đến năm 2030. Theo đó, đề án nghiên cứu tập trung vào các hoạt động thương mại và dịch vụ chính trong lĩnh vực văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch vào ban đêm. Trọng tâm là tại các đô thị, khu du lịch, dịch vụ tập trung đông người. Đồng thời, đề xuất các chính sách, mô hình tổ chức quản lý và điều hành đối với hoạt động kinh tế ban đêm. Trước mắt sẽ triển khai tại khu vực của TP. Phan Thiết, Mũi Né và giai đoạn kế tiếp là các khu vực lân cận. Thị xã La Gi cũng nằm trong tâm điểm của tuyến đường ven biển với 2 đầu mút là Sân bay Long Thành và Sân bay Phan Thiết được kỳ vọng là nơi đón đông đảo du khách trong và ngoài nước, chính vì vậy thị xã La Gi cũng có rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư tầm cỡ đã bắt đầu phát triển giới thiệu những khu đô thị được quy hoạch tại La Gi. Điều này có thể xem là tín hiệu tích cực vừa mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Trong tương lai không xa khi các tuyến cao tốc như Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Sân bay Phan Thiết hoàn thiện, cùng với đó là Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động với công suất dự kiến 100 triệu hành khách mỗi năm, sẽ giúp tỉnh Bình Thuận thuận lợi thu hút du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khám phá.
Chính vì vậy phát triển kinh tế ban đêm được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực của tỉnh Bình Thuận ra các địa phương khác cũng như quốc tế.