Thực hiện mô hình “Quản lý chuột hại lúa bằng bẫy cây trồng” tại Tánh Linh

Kinh tế - Ngày đăng : 05:19, 04/04/2023

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vừa phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh, UBND xã Đồng Kho thực hiện mô hình “Quản lý chuột hại lúa bằng bẫy cây trồng” trong vụ hè thu tại cánh đồng thôn 1, xã Đồng Kho.

Theo đó, đơn vị chọn ruộng của hộ bà Trương Thị Hòa với diện tích 1.500 m2 làm bẫy cây trồng (bao ni lon, đặt bẫy và gieo sạ…).

z4233118893449_8af1c4a304cf2db77d16e371dca6f3d5.jpg
Thực hiện mô hình" bẫy cây trồng tại Tánh Linh".

Theo ông Đỗ Văn Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, để mô hình thực hiện thành công và có hiệu quả cao thì “ruộng làm bẫy cây trồng” phải được gieo trước những ruộng xung quanh ít nhất 20 ngày (các hộ xung quanh ruộng thực hiện mô hình sẽ xuống giống sau ngày 15/4/2023). Do đó, chi cục đã thông báo đến Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh, UBND xã Đồng Kho, đề nghị ngành nông nghiệp huyện và địa phương chỉ đạo việc điều tiết nước, không cho nước về khu vực cánh đồng thôn 1 của xã Đồng Kho trước ngày 15/4 để mô hình đạt hiệu quả cao.

z4233118858076_f45543522e252e79c211ac73584954b6.jpg
Ruộng thực hiện mô hình.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh có trên 300 ha lúa bị chuột gây hại. Thực tế này khiến không ít nông dân gặp lúng túng dẫn đến lạm dụng phân thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, làm tăng tính kháng thuốc của đối tượng dịch hại, tăng chi phí đầu tư. Ngoài ra, việc sản xuất liên tục không tập trung theo lịch thời vụ cũng là một trong những nguyên nhân chuột có nơi cư trú, nguồn thức ăn dồi dào để sinh sôi phát triển. Việc triển khai mô hình bẫy cây trồng, giúp nông dân nắm các biện pháp phòng trừ, kỹ thuật cơ bản về thực hiện bẫy và dẫn dụ, bắt chuột bằng “bẫy cây trồng” trên ruộng lúa. Đồng thời, giúp bà con nâng cao nhận thức về việc áp dụng nhiều phương pháp phòng trừ, tiêu diệt chuột gây hại kết hợp việc bảo vệ thiên địch của chuột, bảo vệ môi trường.

Kiều Hằng