Chợ truyền thống đìu hiu

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:08, 07/04/2023

Khi công nghệ phát triển, nở rộ nhiều phương thức bán hàng mới nhanh chóng, tiện lợi, thì cũng là lúc các chợ truyền thống rơi vào cảnh đìu hiu vì không cạnh tranh nổi. Nhiều chợ, tiểu thương kinh doanh lay lắt, cầm chừng, hoặc chuyển nhượng sạp…

Ở Hà Nội, trên VTV vừa phát phóng sự có cảnh chị em tiểu thương sáng nhảy, chiều nhảy (nhảy Aerobic)… vì chợ ế ẩm, người bán đông hơn người mua. Trước kia, vì không có nhiều tiền, cũng không có thời gian để đến phòng tập, nên tranh thủ những lúc chợ vắng khách, là chị em mở nhạc tập nhảy. Nay buôn bán ế ẩm quá, chị em tiểu thương Hà Nội lấy âm nhạc làm niềm vui, nhún nhảy theo nhạc vừa đỡ buồn ngủ, lại rèn luyện sức khỏe và đỡ đau đầu suy nghĩ chuyện tiền bạc.

202303290227551.jpeg
Khu B chợ Phan Thiết trên lầu 1 vắng khách.

Thời thế thay đổi, chợ truyền thống không cạnh tranh nổi các kênh bán hàng online, không cần thuê mặt bằng, thậm chí không cần nộp thuế, phí, mà vẫn giao hàng tận nhà với giá thấp. Mấy năm đại dịch vừa qua thúc đẩy nhanh hơn phương thức bán hàng này. Chợ cũng ngày càng “đói” khách khi chuỗi siêu thị lớn-nhỏ mọc lên như nấm ở các đô thị vài năm gần đây. Vô vàn chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát bủa vây tứ phía, khiến việc kinh doanh trong chợ truyền thống càng khó khăn hơn. Hình như những người trẻ ngày càng ít đi chợ, mà mua gì cũng đặt online ship tới tận nhà?

Ở Bình Thuận, chợ Phan Thiết là trung tâm mua sắm hàng đầu, không chỉ của thành phố mà cả khách du lịch, xưa nhộn nhịp, sầm uất là thế, nay cũng ế ẩm, đìu hiu. Mặc dù chợ Phan Thiết mới được xây dựng bề thế, khang trang vào năm 2015. Ban quản lý chợ cho biết: Chợ Phan Thiết có 1.200 ki ốt nhưng hiện chỉ còn hơn 500 ki ốt hoạt động cầm chừng, tiểu thương bỏ sạp nhiều vì kinh doanh ngày càng lỗ. Nhiều chợ truyền thống khác cũng rơi vào cảnh trầm lắng, thậm chí xuống cấp, nhếch nhác, mất vệ sinh, nên càng thưa vắng. Các chợ truyền thống đang đứng trước áp lực phải thay đổi phương thức kinh doanh để tồn tại. Chợ truyền thống cũng phải lên mạng, tiểu thương cũng phải livestream bán hàng, kết hợp bán trực tiếp và trực tuyến, do nhiều khách quen đặt mua ship tận nơi, chứ họ không đến chợ như trước. Liệu chợ truyền thống có mai một, như bao điều truyền thống đã và đang mai một, phôi pha?

Không thể đảo ngược thời thế, đổi mới là cách duy nhất “cứu” chợ truyền thống, nhưng đổi mới ra sao? Đã từng có ý kiến đề nghị giao những chợ truyền thống lại cho các doanh nghiệp bán lẻ tư nhân khai thác, để họ quy hoạch lại chợ và đào tạo tiểu thương, tạo ra sự hài lòng nhất cho cả tiểu thương và khách hàng (tương tự như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vậy).

ĐẶNG DŨNG