Giáo dục địa phương - nghe rồi kể lại

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 07:33, 07/04/2023

Về chuyện biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, chúng tôi chia sẻ đôi lời với quý thầy cô về chuyện sưu tầm và giảng dạy tài liệu này.

Xem lại phân công giảng dạy

Hôm 10/3/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có mời các thành viên trong ban biên soạn triển khai giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương lớp 6, 7 trung học cơ sở (THCS) và lớp 10 trung học phổ thông. Trong quá trình trao đổi, ban nội dung nhận được thông tin nhiều chiều từ thực tế ở các cơ sở trường học. Điều đáng suy nghĩ và cần điều chỉnh là việc bố trí giáo viên dạy trái môn ở nhiều trường, nhất là cấp THCS. Lý do là khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, biên chế đội ngũ giáo viên trở nên thừa thiếu không đồng bộ giữa các bộ môn. Vì thế, hiệu trưởng một số trường phân công cho những giáo viên thiếu tiết chuẩn lên lớp dạy môn học này. Có trường hiệu trưởng cử giáo viên môn hóa học, tin học… dạy tất cả các nội dung trong tài liệu giáo dục địa phương từ: Lịch sử, địa lý, ngữ văn, giáo dục công dân đến âm nhạc, mỹ thuật. Có phòng GDĐT giao về các trường phân công cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lên lớp, nếu GVCN không cùng bộ môn thì tổ chuyên môn soạn bài cho GVCN dạy. Trong thực tế, những giáo viên này không có kiến thức, không hiểu đặc trưng bộ môn, nên việc lên lớp mặc nhiên vô hiệu hóa tác dụng và mục đích yêu cầu của nội dung môn học.

giao-duc-pho-thong-2.jpg

Trong khi đó, Sở GDĐT đã có Công văn số: 366/SGDĐT-GDTrH&CN-TX ngày 24/2/2023 hướng dẫn thực hiện rất cụ thể về tổ chức dạy học như sau: “Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch dạy học nội dung giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10 thực hiện trong thời gian còn lại của học kỳ II, năm học 2022 – 2023. Tổng thời lượng nội dung giáo dục địa phương là 35 tiết, nội dung cụ thể theo phụ lục 1 (lớp 7), phụ lục 2 (lớp 10) đính kèm công văn này. Phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp giảng dạy các chủ đề của nội dung giáo dục địa phương. Thực hiện nội dung giáo dục địa phương linh hoạt, phù hợp với điều kiện của đơn vị, không yêu cầu thực hiện các chủ đề theo thứ tự của tài liệu đã được Bộ GDĐT phê duyệt”. Công văn 366 còn hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá môn giáo dục địa phương.

Hôm triển khai chuyên đề này, có thầy cô (THCS) đề xuất cần biên soạn thêm tài liệu hướng dẫn dạy học theo những câu hỏi trong tài liệu, vì thực tế hiện nay cùng một câu hỏi nhưng mỗi người hướng dẫn trả lời mỗi cách khác nhau. Chúng tôi có trao đổi ngược lại, nếu phân công đúng giáo viên bộ môn lên lớp thì nội dung tài liệu không có gì khó khăn, nếu hướng dẫn trả lời mỗi cách khác nhau càng làm cho nội dung bài học thêm phong phú, miễn là không sai lệch về chuẩn kiến thức của bài học. Nếu viết tài liệu hướng dẫn giảng dạy lại rơi vào tình trạng đúc khuôn, không tôn trọng tính sáng tạo khai thác của thầy cô khi lên lớp. Nhưng vừa qua, có thầy cô chuyển cho chúng tôi xem “Giáo án giáo dục địa phương” lớp 6, 7 và lớp 10 năm học 2022 – 2023 của một số Sở GDĐT đăng tải trên mạng.

Nhọc nhằn tư liệu

Việc tìm tư liệu để biên soạn nội dung giáo dục địa phương cũng là quá trình vất vả. Chuyện kể lại, anh bạn trong ban biên soạn môn âm nhạc, mỹ thuật xin một khuông nhạc đưa vào sách phục vụ cho học sinh – tác giả bản nhạc đồng ý, nhưng khi sách in ra thì tác giả đòi nhuận bút tính theo số lượng đầu sách phát hành. Hết sức nan giải, anh không giải quyết được, nên khi tái bản sách, anh phải xin ý kiến tổng chủ biên để bóc khuông nhạc ấy ra, xin khuông nhạc của nhạc sĩ khác thay vào. Vừa rồi, anh bạn viết tài liệu môn địa lý lớp 11 về nội dung du lịch Bình Thuận. Anh đi chụp, sưu tầm ảnh. Phát hiện số ảnh của một tác giả về cảnh quan Bình Thuận khá đẹp, anh liên hệ với tác giả để xin đưa vào sách cho học sinh, cũng nhằm quảng bá cho du lịch địa phương, nhưng khi trao đổi qua điện thoại, tác giả thuyết cho anh một hồi về tác quyền sản phẩm nghệ thuật, về công phu quá trình săn tìm chụp ảnh, rồi nói nếu thỏa thuận được về nhuận ảnh xứng đáng (khá cao) mới được phép sử dụng.

Nghe tâm sự như vậy, tôi nói nếu tác giả có tác phẩm được chọn đưa vào sách cho học sinh học nên xem đó một vinh dự, là niềm vui chứ, bởi mình đã làm được việc tốt là phục vụ thiết thực cho tuổi trẻ quê nhà. Từ chuyện này, gợi tôi nhớ trước kia có lần đi dự chuyên đề dạy văn trong nhà trường ở Hà Nội, ban tổ chức có mời một số tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa đến nói chuyện. Trong đó nhà văn Kim Lân có truyện ngắn Làng trong sách ngữ văn 9, truyện Vợ nhặt trong sách Ngữ văn 12. Kim Lân nói rất ngắn gọn, rồi nhìn cử tọa bên dưới: Rất cảm ơn người tuyển chọn tác phẩm của tôi đưa vào sách, rất cảm ơn quý thầy cô đã chỉ ra cái hay, cái đẹp của truyện cho các cháu học trò cảm nhận để đến với tác phẩm của tôi, có những phát hiện độc đáo rất hay của thầy cô ngoài suy nghĩ của nhà văn làm tôi vô cùng cảm động. Rồi ông cúi đầu: Tôi chỉ biết cảm ơn, xin cảm ơn, thấy mình rất vinh dự.

Võ Nguyên