Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 - 1/6/2023): Bắc Bình - “Cái nôi” xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh

Kinh tế - Ngày đăng : 05:16, 10/04/2023

Bắc Bình được nhắc đến với vùng đất đầy nắng, cảnh sắc thiên nhiên độc đáo với đầy đủ đặc trưng của 4 vùng miền núi, trung du, đồng bằng, đồi cát ven biển. Từ những khó khăn thời kỳ đầu thành lập, trong đó thiên nhiên khắc nghiệt là trở ngại lớn đối với sự phát triển của địa phương. Trải qua 40 năm, Bắc Bình đã biến sự khắc nghiệt ấy thành lợi thế, trở thành một vùng đất có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là thu hút nông nghiệp công nghệ cao.

Nơi tạo nên quả ngọt

Những ngày trung tuần tháng tư, đi dọc tuyến kênh công trình chuyển nước khu Lê thuộc xã Hòa Thắng, chúng tôi cảm nhận cái nắng gay gắt, khô hanh rất đặc trưng của vùng Bắc Bình. Nhưng đây đó lô nhô những nhà màng màu trắng, thấp thoáng màu xanh của cây trồng ở bên trong. Đặc biệt, những hồ chứa nước nhân tạo tại mỗi trang trại đều đầy ắp, xanh trong, khỏa lấp đi cái nắng gió ở vùng tiểu sa mạc.

z4241460889407_0d50d26a81855814384d9f66772bcd27.jpg
Trồng dưa lưới công nghệ cao tại Tiên Phong Smart Farm

Nhớ cách đây mấy năm, có một doanh nghiệp đã tiên phong, từng bước gầy dựng nên màu xanh mướt với những sản phẩm dưa lưới trong nhà màng, thanh long ruột đỏ leo giàn… nức tiếng ngọt thanh, đó là Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á. Là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha, công ty này trở thành điểm đến, tham quan của nhiều doanh nghiệp tìm hiểu. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại đây đã được nhân rộng, đơn cử là sự có mặt của Công ty Tiên Phong Smart Farm (xã Hòa Thắng).

z4241462518204_016619479dafedb28b508963d1380fdb.jpg
Khu vực nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Hòa Thắng.

Chúng tôi khá bất ngờ về những thành quả của trang trại này có được sau 5 năm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Anh Bùi Quang Thắng – kỹ sư nông nghiệp làm việc tại đây giới thiệu, trang trại được đầu tư từ năm 2017. Đến nay công ty có tổng quy mô 60 ha, trong đó khoảng 15 ha đang sản xuất dưa lưới trong nhà màng. Trang trại sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm công nghệ Israel vừa giảm chi phí, vừa tăng hiệu quả tưới để nâng cao năng suất cây trồng. Hơn nữa, trang trại tận dụng tài nguyên đất sẵn có và các loại phân bón hữu cơ, trồng dưa lưới trực tiếp lên đất, không qua giá thể. Theo đánh giá của doanh nghiệp này, năng suất bình quân mỗi trái dưa khoảng 1,8 kg, sản lượng trung bình 4 – 5 tấn/lứa/ 1.000 m2. Hiện giá bán bình quân tại trang trại từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và được ưa chuộng nhờ đặc trưng vị ngọt thanh.

Theo kỹ sư Thắng, sở dĩ việc trồng dưa lưới công nghệ cao tại đây đạt hiệu quả là nhờ thuận lợi từ yếu tố tự nhiên về nắng, gió, nước tưới rất thích hợp cho cây ăn trái, tạo độ ngọt khác biệt. Thời gian tới, trang trại này sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng thêm các nhà màng, trồng dưa lưới “gối đầu” để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

z4241470284855_389f5f4808b3daf0427d603a6b5a8234.jpg
Vườn bưởi GlobalGAP tại Công ty Cổ phần nông nghiệp CVC Bình Thuận

Nông nghiệp công nghệ cao - sự phát triển tất yếu

Không khó để hiểu rằng, vì sao tỉnh lại chọn vùng đất cát “sa mạc” tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình là trung tâm của khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Bình Thuận. Bởi thực tế, đây là vùng đất “sạch” còn hoang sơ, ít có tác động của con người. Đặc biệt là tiểu vùng khí hậu đặc trưng, nắng, gió nhiều, tạo lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất và không thể thiếu cho phát triển nông nghiệp tại vùng đất này là việc đưa vào sử dụng hệ thống công trình cấp nước khu Lê Hồng Phong. Đây được coi là công trình “đền ơn đáp nghĩa” cho vùng kháng chiến khu Lê - một vùng đất có tiếng khô hạn nhất tỉnh.

Ngược về phía thượng nguồn, vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn, sau khi hồ Sông Lũy tích nước, vùng đất ấy đã trở nên dịu mát hơn, không chỉ bởi nước, mà còn là màu xanh của bạt ngàn cây ăn trái quy mô lớn được đầu tư. Một trong những nơi tạo nên “quả ngọt” ấy là trang trại 70 ha cây ăn trái gồm bưởi, quýt đường, cam theo chuẩn GlobalGAP của Công ty cổ phần nông nghiệp CVC Bình Thuận (thôn Dốc Đá, xã Phan Lâm, Bắc Bình). Ông Lê Xuân Hà – Giám đốc công ty khi nhìn thành quả hàng chục ha cây ăn trái sai trĩu quả, căng mọng, ngọt thanh sau 4 năm dày công đầu tư, tươi cười khẳng định: “Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên hiệu quả, sản phẩm đặc trưng của trái cây có múi, đó là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở vùng đất này. Cộng thêm, vùng đất đá ở đây là đất sạch, có nhiều chất khoáng, rất phù hợp với cây ăn trái, tạo sự khác biệt cho sản phẩm, được thị trường yêu thích”.

Nhấn mạnh thêm về tiềm năng phát triển cây trồng tại địa phương, ông Nguyễn Thành Lâm – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình chia sẻ: Là huyện miền núi, Bắc Bình có diện tích trên 186.500 ha. Với tiềm năng đất đai rộng lớn, nông nghiệp được địa phương xác định là ngành kinh tế chủ lực. Đặc biệt những năm qua, từ kết quả nối mạng nước từ hệ thống hồ thủy lợi, kênh dẫn nước dày đặc, đã biến vùng đất nắng nhiều, khô hạn trở thành nơi lý tưởng để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có khoảng 3.921 ha sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao, ứng dụng tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, trong đó, 2 nhóm cây sản xuất trong nhà màng, nhà bạt như dưa lưới, cà chua bi và nhóm cây sản xuất trong điều kiện tự nhiên gồm bưởi, cam, quýt… Nổi bật là năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận, được đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn gồm Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân và Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình với quy mô diện tích toàn vùng khoảng 2.000 ha. Mục tiêu xây dựng một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống quản lý hiện đại, quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh và đạt các tiêu chuẩn đăng ký chất lượng trong nước và quốc tế. Hơn thế, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh… Đến nay, dù chưa đạt được mục tiêu mong muốn, nhưng không ít các doanh nghiệp đã và đang đầu tư nông nghiệp tại đây sử dụng công nghệ nhà màng, khắc phục những hạn chế về khí hậu, thời tiết, dịch bệnh và tiết kiệm nước. Ngành nông nghiệp huyện đang tiến hành khảo sát lại diện tích, quy mô của các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn để có đánh giá về hướng phát triển thời gian tới.

Hiện toàn tỉnh có hơn 677.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa, thanh long, rau màu… Khó khăn chung của ngành nông nghiệp tỉnh là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp tuy có chuyển dịch nhưng vẫn còn chậm, nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn khó khăn… Do đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bình Thuận xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Trong đó, huyện Bắc Bình là vùng đất hội tụ các yếu tố để trở thành “cái nôi” xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Theo UBND huyện Bắc Bình, đến nay trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư 33 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hiện địa phương đang tiếp tục thực hiện kế hoạch của Huyện ủy (khóa XII) triển khai Nghị quyết 05 -NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Kiều Hằng