Hệ lụy từ khai man tuổi để kết hôn

Pháp luật - Ngày đăng : 08:28, 11/04/2023

Nhiều người khai man tuổi để kết hôn sớm, nhưng nay không thể điều chỉnh lại năm sinh trong giấy đăng ký kết hôn, vì số hóa dữ liệu hộ tịch kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn chỉnh và Luật Hôn nhân và Gia đình không cho phép.
untitled-1.jpg
Khai man tuổi để kết hôn để lại nhiều hệ lụy (ảnh minh họa)

Khai man

Kết hôn là việc của nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Tuổi kết hôn, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ 18 tuổi trở lên. Nếu nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi sẽ bị cấm (gọi là tảo hôn). Tuy nhiên, luật là vậy, nhưng trong thực tế có rất nhiều người vi phạm, nhiều nhất là nữ giới, thường 15 – 17 tuổi đã có quan hệ tình cảm với người khác giới. Trong đó, có nhiều người tiến tới hôn nhân bằng cách lén lút sống chung với nhau không hôn thú hoặc khai man tuổi để được đăng ký kết hôn.

“Vì muốn được lấy chồng, lấy vợ, người dân khai man tuổi để được đăng ký kết hôn. Lẽ ra những trường hợp này khi họ đến xin đăng ký, cán bộ tư pháp phải yêu cầu cung cấp giấy khai sinh để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kết hôn. Nhưng cứ tin tưởng họ khai báo sao thì cấp giấy vậy nên xảy ra tình trạng tuổi trong giấy đăng ký kết hôn không đúng với tuổi thật”, ông Nguyễn Phi Hổ - Trưởng phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, khi thời gian qua nhiều người đến xin cải chính lại năm sinh trong giấy đăng ký kết hôn.

Phần lớn những người đến xin cải chính này đều có liên quan đất đai, trong đó nhiều nhất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì nếu muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ngành chức năng phải xác nhận tình trạng hôn nhân, bắt buộc phải có giấy đăng ký kết hôn để chứng minh tài sản.

Khi làm thủ tục chuyển nhượng thì tất cả các loại giấy tờ tùy thân đều phải đúng tên, tuổi... nếu một trong số giấy tờ đó không đúng thì phải đi cải chính lại để cho khớp. Bà L.H.T ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc là điển hình, khi bà đề nghị cơ quan tư pháp huyện cải chính lại năm sinh trong giấy đăng ký kết hôn SN 1981 thành SN 1983, cho khớp với các giấy tờ khác. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp huyện đối chiếu năm sinh 1983 với thời điểm kết hôn thì bà chưa đủ tuổi, nên trả hồ sơ xin cải chính lại cho bà.

Hậu quả

“Những trường hợp này, chúng tôi không thể làm được, nếu là cách đây vài năm trước thì có thể giúp họ bằng cách hủy giấy kết hôn cũ, cấp mới. Nhưng bây giờ Luật Hôn nhân và Gia đình mới không cho phép và đã số hóa dữ liệu hộ tịch kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Hổ nói. Ngoài ra, nếu giải quyết thì vô hình trung pháp luật thừa nhận đủ tuổi kết hôn, đi ngược lại với Luật Hôn nhân và Gia đình. “Những người có năm sinh đúng tuổi kết hôn hoặc cao hơn… trong giấy đăng ký kết hôn thì có thể cải chính được, còn chưa đủ tuổi hiện nay rất khó cải chính”, ông Hổ chia sẻ thêm.

Tình trạng này chủ yếu xảy ra trước đây khi công tác hộ tịch ở cấp xã, phường còn lỏng lẻo. Bây giờ họ đi xin cải chính ở cấp xã bất thành thì lên cấp huyện, nhưng luật đã định thì dù có đi cấp nào cũng không thể giải quyết. Những năm sau này công tác tư pháp - hộ tịch đã đi vào nề nếp... Người dân muốn đăng lý kết hôn, cán bộ tư pháp yêu cầu phải có chứng minh nhân dân hoặc CCCD, giấy khai sinh để đối chiếu mới làm giấy đăng ký kết hôn.

Đây là hậu quả của việc khai báo không trung thực trong việc đăng ký kết hôn. Theo đó, để khắc phục tình trạng này, người dân, nhất là bậc cha mẹ nên quan tâm giáo dục, nhắc nhở con em, quan hệ tình cảm sớm khi chưa đủ tuổi sẽ rất dễ dẫn đến thiệt thòi, vì không chỉ vi phạm pháp luật mà còn không được cưới hỏi, đăng ký kết hôn, ảnh hưởng đến quyền lợi có liên quan.

Ninh Chinh