Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế giá trị gia tăng

Trong nước - Ngày đăng : 14:42, 11/04/2023

Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng hoá từ 10% xuống còn 8%. Theo đó, việc giảm thuế sẽ được thực hiện theo 2 phương án, giảm chung tất cả hàng hoá và không giảm cho hàng hoá đã được giảm thuế trước đó.

Cụ thể, phương án 1 theo đề xuất là giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%)

Phương án 2 giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8 %), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

vat31-12-2022_20221231185315.jpg

Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT trong năm 2023. (Ảnh minh họa: KT)

Về thời gian thực hiện của 2 phương án là kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023 (dự kiến từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023).

Bộ Tài chính cũng đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15. Đồng thời, đánh giá tác động đến số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên và đề xuất phương án giảm thuế VAT áp dụng cho năm 2023.

Trước đó, ngày 6/4, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2317/VPCP- KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưởng Chinh phủ Lê Minh Khái về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Theo đó, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất phương án miễn, giảm thuế, phi, lễ phi áp dụng cho năm 2023, báo cáo Thủ tưởng Chính phủ trước ngày 15/4.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023. Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị cần chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; chủ động, quyết liệt, kịp thời, sát thực tiễn và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành; tận dụng thời gian, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng). Khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.

H Lan (Tổng hợp)