Nghề Công tác xã hội: Hướng tới sự chuyên nghiệp, sáng tạo
Xã hội - Ngày đăng : 05:42, 12/04/2023
Bao phủ rộng khắp các lĩnh vực
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: CTXH được chính thức công nhận là một nghề chuyên nghiệp từ năm 2010 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020. Kết thúc giai đoạn này, Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH... đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Tại Bình Thuận, qua 13 năm liên tục xây dựng, duy trì, đổi mới và phát triển, nghề CTXH bao phủ rộng khắp các lĩnh vực, xuất phát từ cộng đồng đến cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế, trường học, bệnh viện. Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tỷ lệ thuận với số người thụ hưởng. Điều này thể hiện qua số người được hưởng chính sách an sinh xã hội tại cộng đồng tăng dần qua các năm, nếu như năm 2010 chỉ có hơn 12.500 người thì đến quý I/2023 tăng lên hơn 42.600 người, tăng 3,4 lần. Kéo theo đó, số cơ sở (công lập và ngoài công lập) có chăm sóc, nuôi dưỡng những người yếu thế cũng tăng từ 7 cơ sở lên 15 cơ sở. Nhiều cơ sở đã xây dựng từ lâu và tự đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội như: Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp có thành lập thêm phòng CTXH và phát triển cộng đồng; Cơ sở Điều trị nghiện ma túy có thêm hoạt động tham vấn tâm lý cho người cai nghiện; Cơ sở khuyết tật Tổ ấm Huynh Đệ, Trung tâm khuyết tật Hừng Đông tăng quy mô lớp can thiệp trẻ tự kỷ; Cơ sở Bảo trợ xã hội, Mái ấm tình thương xây dựng thêm sân chơi cho trẻ nhỏ có năng khiếu về thể thao. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở mới hình thành và dần khẳng định vị thế của mình như: Tổ CTXH tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; các mô hình CTXH trong trường học và đội ngũ cộng tác viên CTXH tại các xã, phường, thị trấn.
Khuyến khích xã hội hóa công tác xã hội
Tuy nhiên, song song với độ bao phủ của các dịch vụ CTXH, sự gia tăng của số người thụ hưởng là sự quá tải của đội ngũ nhân viên CTXH. Số người bỏ việc nhiều, số lượng tuyển mới không đủ đáp ứng, công tác tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân… Riêng tại các cơ sở mới hình thành như Tổ CTXH tại Bệnh viện đa khoa tỉnh hay mô hình CTXH trong trường học thì việc sắp xếp, bố trí, tuyển dụng người có chuyên môn càng khó khăn gấp bội.
Trước những khó khăn trên, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển CTXH năm 2023. Trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp để nghề CTXH phát triển theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của CTXH, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng yếu thế khác. Cùng với đó, thiết lập các kênh thông tin đa chiều để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các vấn đề có liên quan CTXH; đa dạng các hình thức truyền thông về hoạt động CTXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động CTXH... Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích xã hội hóa, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển CTXH trợ giúp cho các đối tượng yếu thế và người dân. Triển khai liên kết với các cơ sở đào tạo cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ điều kiện xây dựng đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn về CTXH...