Tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm

Trong nước - Ngày đăng : 16:28, 12/04/2023

Kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nhất là nâng mức xử phạt với những trường hợp uống rượu bia khi tham gia giao thông, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm rõ rệt.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT-C08, Bộ Công an) cho biết, trong quý I năm 2023 Bộ Công an thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

“Trong quý I năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, làm chết 20 người và làm bị thương 43 người. So với cùng kỳ đã giảm 70 vụ, giảm 60 người chết và giảm 30 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên. Tại nhiều địa phương, lực lượng CSGT dừng, kiểm tra vài trăm xe mới phát hiện được 1, 2 trường hợp vi phạm", Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho hay.

z4258621069274_b5e412eeda97403d3d6d202a58fce6fd.jpg

TS. Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai)

Theo TS. Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Bệnh viện Bạch Mai đã giảm hẳn. Mức độ trầm trọng của các ca cấp cứu do tai nạn giao thông cũng giảm theo.

“Hiệu quả của việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn mang lại là rất tốt, không chỉ giảm số vụ tai nạn giao thông mà ngay cả các ca cấp cứu do gây gổ, đánh nhau… cũng đã giảm”, TS. Vũ Đức Long đánh giá.

z4258621063168_03a5542b2c36262b31166420b3d93111.jpg

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS.TS. Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bình thường các ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đến bệnh viện cấp cứu trong nhiều tình trạng khác nhau, các y bác sĩ sẽ rất vất vả để cứu chữa.

“Có người bị thay đổi về chức năng sống, trường hợp khác đến viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn hay bị suy hô hấp, rối loạn huyết động và bị đa chấn thương. Những trường hợp như vậy, chúng tôi phải huy động toàn bệnh viện với nhiều chuyên khoa để cấp cứu. Có những nạn nhân được cấp cứu đến viện không quá nặng nhưng tinh thần bị kích động. Hoặc người thân đi cùng kích động làm cho không gian cấp cứu hỗn loạn. Để cấp cứu một ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, các bác sĩ, y tá phải làm rất nhiều việc cả về cơ học, chuyên môn hay đảm bảo an ninh trong phòng cấp cứu”, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải chia sẻ.

PGS.TS. Hoàng Bùi Hải cho biết thêm, khi lực lượng CSGT siết chặt kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn, số ca tai nạn giao thông nghi ngờ có sử dụng rượu, bia phải làm xét nghiệm nồng độ cồn đã giảm đến 1/3.

“Số ca giảm, mức độ bị tổn thương giảm giúp chúng tôi có nhiều thời gian để chăm sóc cho các bệnh nhân khác, nhân viên y tế nói chung đỡ vất vả hơn rất nhiều”, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải nói.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, giảm tai nạn giao thông bền vững, Phó Cục trưởng Cục CSGT Nguyễn Văn Mừng khẳng định, trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đủ mạnh để tuần tra 24/7, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Với các trường hợp chống đối, cản trở lực lượng chức năng sẽ được lập hồ sơ, điều tra, xử lý và đề nghị truy tố theo quy định nhằm tăng tính răn đe. Tất cả vì mục tiêu tạo ra môi trường tham giao thông văn minh, an toàn”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho biết thêm.

H Lan (Tổng hợp)