Mất nhiều quyền lợi nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 05:21, 14/04/2023
4.006 người hưởng BHXH 1 lần
Chị T. T. V. (Phan Thiết) cho biết: Chị làm công nhân, với 9 năm tham gia BHXH bắt buộc. Nhìn chung, lương công nhân không cao nên mức đóng BHXH cũng thấp. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình hiện nay khó khăn, với số tiền BHXH nhận 1 lần sẽ giải quyết một số việc trước mắt trong gia đình. Chị V. chia sẻ: “Sau nhiều lần đắn đo, rút BHXH 1 lần là chuyện không mong muốn, nhưng hoàn cảnh túng thiếu quá”. Tương tự trường hợp chị V., không ít các trường hợp khác cũng rút BHXH 1 lần dù rằng cũng tiếc khoảng thời gian dài đã tham gia BHXH. Bởi hoàn cảnh khó khăn, người lao động không thể chờ đến ngày nhận lương hưu. Hơn thế nữa, độ tuổi nhận lương hưu ngày càng tăng.
3 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh Bình Thuận giải quyết cho 4.006 người hưởng BHXH 1 lần, tăng 28,2% so cùng kỳ. Trong đó, 3.895 người hưởng BHXH 1 lần; 104 người hưởng tuất 1 lần, 7 người tai nạn lao động 1 lần. Theo BHXH Việt Nam, những người nhận BHXH 1 lần tập trung ở độ tuổi từ 20-40 (chiếm 80,9%), trong đó tập trung đông nhất ở nhóm 20-30 tuổi (chiếm 42,7%), nhóm 30-40 tuổi chiếm 38,2%. Điều này cho thấy người lao động rút BHXH một lần ở độ tuổi còn trẻ.
Nguyên nhân là đời sống khó khăn do dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản tiền và hy vọng tìm cơ hội khác. Bởi một số người lao động suy nghĩ rằng chờ quá lâu mới có thể nhận được lương hưu.
Mất nhiều quyền lợi
Với lựa chọn rút BHXH 1 lần, người lao động sẽ chịu thiệt thòi và mất đi nhiều quyền lợi trong tuổi già khi về hưu. Đó là không được nhận lương hưu hàng tháng khi về già. Nếu người lao động đóng đủ BHXH từ 20 năm trở lên, cơ quan BHXH chi trả lương hưu hàng tháng cho người lao động kể từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu cho đến khi chết. Nếu người lao động nhận BHXH một lần, thì sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Bên cạnh lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Ngược lại, người lao động rút BHXH một lần, thì sẽ không được hưởng lương hưu hàng tháng và tự mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình. Căn cứ Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014, mức thanh toán BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến của người đang hưởng lương hưu là 95%. Trong khi đó, người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%. Vậy thì, mức hưởng BHYT của người hưởng lương hưu cao hơn.
Người lao động đang hưởng lương hưu mà chết thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng. Cơ quan BHXH thanh toán số tiền trợ cấp mai táng một lần cho thân nhân của người lao động. Tiền trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Chẳng hạn, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng x 10 tháng là 14,9 triệu đồng. Khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (1/7/2023), mức trợ cấp mai táng bằng 18 triệu đồng.
Người lao động đang hưởng lương hưu mà chết thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất, có thể là tuất một lần hoặc tuất hàng tháng. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở, tương đương hiện nay 1,043 triệu đồng/tháng và từ ngày 1/7/2023 tương đương 1,26 triệu đồng/tháng. Thân nhân thuộc trường hợp còn lại thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở tương đương 745.000 đồng/tháng và từ ngày 1/7/2023 tương đương 900.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu, thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng. Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu, thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.