Cơn khát
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:49, 14/04/2023
Ban đầu khởi xướng chỉ làm một nhóm hát. Điều mong được đưa lên Facebook, tức thời khá đông người hưởng ứng. Làm đi, làm đi. Chúng tôi ủng hộ. Thế rồi người đăng ký hát, người đăng ký góp mặt đêm vui. Người tổ chức phải thay đổi kế hoạch. Thay vì một nhóm nay phải dự tính tổ chức ở địa điểm với lượng người đông hơn, bài bản hơn.
Đêm nhạc, cả khuôn viên rộng không đủ chỗ cho khán giả. Hơn 400 người tham dự. Còn nhiều người đành phải đứng từ xa nghe. Ông chủ Trung tâm Đa năng không tin vào mắt mình, 18 giờ 30 phút đã có người đến nơi xí chỗ vì họ đi theo nhóm bạn, có người đi theo gia đình. Anh cười xuề xòa vì không còn khả năng đáp ứng.
Đúng là truyền thông của thời 4.0, không riêng gì các xã trong huyện mà nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Phan Thiết, từ huyện bạn Tánh Linh cũng tìm về với đêm nhạc.
Mới hay cơn khát văn hóa, cơn khát được nghe ca nhạc trong nhân dân ở quê cấp thiết đến mức nào.
- Nhiều người mong được hát. Bây giờ có karaoke, có loa kẹo kéo nên nhiều người biết hát và muốn được hát. Để thỏa mãn yêu cầu người ta đã phải nhờ đám cưới. Đi đám cưới không hát được, không về. Người hát đám cười nhiều năm thành hội. Họ còn tổ chức gặp mặt “Văn nghệ sĩ đầu xuân”. Hát đám cưới thành nét văn hóa riêng của người nhà quê. Được đứng hát trên một sân khấu ca nhạc như đêm Trịnh cùng với bạn bè cũng là ước muốn chính đáng của lắm người.
- Nhiều người mong được nghe. Đến với đêm nhạc là muốn nghe người hát xuất hiện trước mặt mình bằng da bằng thịt. Được thấy họ đưa tay, thấy họ cười với mình. Cả hơn chục năm nay ở thị trấn có tiếng là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện nhưng không có một đêm ca nhạc cho đúng nghĩa cả. “Hàng ngày cũng nghe nhưng là nghe qua tivi, nghe qua loa máy. Các ca sĩ trong tivi hát rất hay nhưng nghe lặp đi, lặp lại mình thấy nó cứ như ở đâu đó vô thưởng vô phạt chẳng liên quan gì đến cuộc sống của mình…”.
- Nhiều người mong có dịp, có hoàn cảnh để gặp gỡ giao lưu với bạn bè. “Hàng ngày đi làm về rồi ru rú trong nhà. Mở cái truyền hình nghe vài tin thời sự, đi ra, đi vào vẩn vơ. Không có cái để mình quan tâm, không có chuyện để có cơ hội ra khỏi nhà ban đêm. Cũng có khi hai vợ chồng vòng vòng ngó qua ngó lại rồi về. Bây giờ nghe có đêm nhạc thế là rộn ràng cả tuần. Mà người hát là người quen thân cả. Họ là những người hát hay ở huyện. Có người đạt giải ở Đà nẵng, ở Vĩnh Long, giải tỉnh…
- Người ta đến với đêm nhạc Trịnh Công Sơn còn để thỏa sự tò mò. Có đêm nhạc đã quý, nhưng đây là đêm nhạc để tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa kính yêu trong lòng công chúng lại càng quý hơn. Ý nguyện của người tổ chức đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân.
Băng rôn được treo ở Trung tâm Đa năng: - “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn… tổ chức vào thứ bảy, ngày 1/4/2023. Trân trọng kính mời”. Lại có một câu kèm theo: - “Giá các loại thức uống không thay đổi”. Vậy rồi ngân sách đêm ca nhạc lấy đâu ra để tổ chức nếu không thu thêm phụ phí?
- Người ta nói đêm nhạc 0 đồng! Đúng không?
Thì ra tất cả đều là tự nguyện. Đêm ca nhạc không bán vé. Tất cả đều tham gia tự nguyện. Từ ban tổ chức, ca sĩ, nhạc công, máy móc, địa điểm đều tự nguyện. Không có thù lao, không tiền sân bãi, không tiền thuê máy móc. Nếu uống nước ở quán cũng tự trả tiền.
Khán giả: Cũng tự nguyện đến tham gia và không phân biệt độ tuổi... Tin về đêm nhạc lan truyền từ người này qua người khác. Nghe đâu có người còn trách sao không mời… Nhưng là vì ban tổ chức không phát hành giấy mời.
Có ba cái thuận để đêm nhạc thành công:
- Thời điểm tổ chức đúng ngày giỗ của Trịnh Công Sơn.
- Địa điểm nằm ở trung tâm thị trấn, khuôn viên đẹp, thoáng mát hợp với một đêm nhạc Trịnh.
- Hợp với nguyện vọng của người dân. Lâu rồi mới lại có một đêm nhạc bài bản, công phu lại là đêm nhạc của Trịnh Công Sơn. Ít khi có biểu diễn ca nhạc mà khán giả cũng hồi hộp với sự hồi hộp của ban tổ chức, cùng vui với sự thành công của ca sĩ. Đêm nhạc kết thúc nhiều cái bắt tay vui nhưng trong ánh mắt bâng khuâng tiếc nuối:
- Lúc nào lại có một đêm nhạc bài bản như thế này!