Bình Thuận hợp tác với Kaluga (Liên bang Nga): Cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 09:38, 27/12/2018
Được biết, Kaluga có vị trí địa lý cách thủ đô Moscow chỉ khoảng 180 km về phía Tây Nam và là một trong những vùng phát triển kinh tế của Nga, chiếm vị trí hàng đầu về tăng trưởng công nghiệp. Đối với nông nghiệp thì Kaluga tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất sữa và đã thu hút dự án chăn nuôi bò - sản xuất chế biến sữa của Tập đoàn TH (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư là 285 triệu USD. Ngoài cung cấp thịt gia cầm về Việt Nam, phía bạn còn gợi ý hướng thành lập liên doanh sản xuất tại Việt Nam hoặc tại Kaluga, thế nên các doanh nghiệp của chúng ta có thể nghiên cứu đầu tư nuôi tôm như một số doanh nghiệp Mỹ đang thực hiện tại đây… Ở lĩnh vực du lịch, tỉnh Kaluga đang thực hiện dự án Làng văn hóa và muốn mời Việt Nam đặt công trình văn hóa đặc trưng nhằm giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch cũng như cư dân địa phương. Thêm nữa, phía bạn luôn quan tâm tới du lịch biển và là thị trường tiềm năng với số lượng du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại các vùng biển của Việt Nam ngày một tăng…
Bình Thuận - điểm đến được nhiều người Nga lựa chọn cho các kỳ nghỉ dài ngày (Trong ảnh: Du khách đến từ xứ sở Bạch Dương tham gia bỏ phiếu bầu Tổng thống Liên bang Nga năm 2018 tại điểm bầu cử Mũi Né). |
Thời gian qua, Bình Thuận luôn coi trọng hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương, trong đó hợp tác phát triển với Kaluga (Liên bang Nga) là phù hợp chủ trương đối ngoại, hợp tác quốc tế của tỉnh. Hơn nữa, việc hợp tác phát triển với Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ góp phần giúp nước Nga mở rộng thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á, đồng thời cũng phù hợp với chính sách hướng Đông của Liên bang Nga… Về khả năng hợp tác, Bình Thuận đề xuất một số lĩnh vực như mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - thủy hải sản ở những khu vực đông dân của nước Nga, thông qua tiêu thụ địa phương tại tỉnh Kaluga và các khu vực lân cận, trong đó có thủ đô Moscow. Cùng với đó, Bình Thuận còn đề xuất hợp tác về trao đổi kỹ thuật sản xuất, chế biến, trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao với tỉnh Kaluga. Với đề xuất đầu tư nuôi tôm tại tỉnh Kaluga để phục vụ cho thị trường Nga, thời gian đến Bình Thuận sẽ nghiên cứu, thông báo cho các doanh nghiệp liên quan tìm hiểu cơ hội đầu tư này.
Trên lĩnh vực công nghiệp, Kaluga là địa phương có thế mạnh về công nghiệp chế tạo, lắp ráp mà nhất là trong lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ trong xây dựng, giao thông, năng lượng… Chính vì vậy, Bình Thuận xác định nhu cầu hợp tác phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp giữa hai địa phương là rất tiềm năng. Do đó sẽ ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư từ tỉnh Kaluga xúc tiến những dự án công nghiệp chế biến sâu, chế tạo và lắp ráp máy móc hoặc dự án công nghiệp sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận.
Ở lĩnh vực y tế, mỗi năm Kaluga có khối lượng sản xuất dược phẩm chiếm khoảng 10 - 11% thị trường dược của nước Nga, trong khi đó Bình Thuận lại có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm dược phẩm, dược liệu như tảo Spirulina platensis, mủ trôm… Do vậy địa phương mong muốn tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn và chuyển giao công nghệ y sinh học, dược phẩm giữa các bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp liên quan từ hai phía. Nhà đầu tư của tỉnh Kaluga cũng có thể nghiên cứu, tìm hiểu liên doanh, liên kết với doanh nghiệp địa phương hướng đến xây dựng các nhà máy chế biến dược phẩm, dược liệu, sản xuất dụng cụ và thiết bị y tế, hình thành trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học, y sinh học tại Bình Thuận…
Đặc biệt với thế mạnh về du lịch, Bình Thuận mong muốn luôn là điểm đến tin cậy, chất lượng cho khách du lịch từ tỉnh Kaluga nói riêng và nước Nga nói chung. Mặt khác, địa phương cũng rất hoan nghênh về đề xuất dự án Làng văn hóa tại tỉnh Kaluga và sẽ nghiên cứu, cung cấp thông tin nhằm phục vụ việc quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, du lịch của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng đến xứ sở Bạch Dương.
Đ.QUỐC