Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 -1/6/2023): Sự thật vùng chuyển nước

Kinh tế - Ngày đăng : 05:29, 17/04/2023

Cũng thời điểm tháng 3, tháng 4 này của năm 2000, hồ Cà Giây sau 4 năm xây dựng được khánh thành, một đồng nghiệp chở tôi bằng xe máy đi đưa tin đã bị lạng tay lái ngã xuống đường đất gập ghềnh. Tôi bị quăng xuống ruộng bên đường đau điếng, vì đất cứng. Cũng chỗ ấy, bây giờ là ruộng sen đầy hoa nở bung cánh…

Sức hút từ… nước

Trên con đường đất băng qua cánh đồng đội 5 Cây Cám thuộc xã Phan Hòa, Bắc Bình, có ông nông dân đứng dưới bóng râm, trầm ngâm nhìn quang cảnh phía trước. Đó là sự ngỡ ngàng trước sự xuất hiện nhiều thứ, chứ không phải trước bể dâu, vật đổi sao dời theo hướng mất mát gì. Ông nói thế, khiến tôi hình dung có thể sống ở đây gần như một đời nhưng ông chưa có dịp hoặc phải đến giờ, khi mọi đổi thay đã tạo nên 1 bức tranh đẹp rồi tình cờ lúc này, ông mới phát hiện ra. Đó là bức tranh cực kỳ sống động có tiền cảnh lẫn hậu cảnh đều chứa đựng những thông điệp cho sự phát triển.

cong-trinhn.-lan-1.jpg
Công trình thủy lợi Phan Rí - Phan Thiết.

Thì đây, tiền cảnh là cánh đồng lúa đông xuân còn sót lại những ruộng lúa chín vàng đang giục mau thu hoạch, trong khi những đàn cò trắng bay về theo mùa gió nam đang sục sạo tìm sâu rầy, cua cá trên các thửa ruộng. Là tuyến cao tốc Bắc - Nam băng qua cánh đồng, đang được thi công gấp gáp những ngày cuối cùng cho thông xe. Xa kia, là hậu cảnh, dưới chân núi cao có tên Hòn Ông, núi Bà sừng sững có vệt trắng chạy ngang. Đó là tuyến kênh Úy Thay – Đá Giá, chuyển nước từ hồ Cà Giây đổ vào đập Bà Nao để cánh đồng gần 400 ha này vốn khô nứt nẻ, đất bỗng mềm đi, dịu ra theo từng mùa vụ và giúp dân Phan Hòa có những mùa bội thu.  

ho-thuy-loi-song-luy-bac-binh-anh-n.-lan-.jpg

“Đó là năm 2005 hay 2007 gì đấy, nước Cà Giây về đây sau khi chảy qua hơn 16 cây số và Phan Hòa là cuối nguồn. Bởi sát bên đã là xã Hòa Minh của huyện Tuy Phong. Đám ruộng ở nhà hơn 4 ha từ chỗ sản xuất 1 vụ được vài trăm ký lúa/sào nhưng luôn mất mùa, tui chuyển qua 2 vụ và chỉ sau 2 năm, cả vùng sản xuất 3 vụ/năm. Lần đầu tiên, biết lúa vụ đông xuân trúng hơn các vụ khác. Cứ 2 năm, tui thay đổi giống, phân, thuốc 1 lần để bổ sung dưỡng chất cho ruộng, rồi thử giống lúa đoán là thích hợp nên năm nào, nhà cũng trúng mùa. Nhờ vậy, mới lo được miếng cơm cho gia đình có 10 đứa con và hiện tất cả đã ra ở riêng” - ông nông dân nói với nét mặt hãnh diện. Ông cũng khoe ông là Nguyễn Văn Châu tại thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa được nhiều lần là nông dân sản xuất giỏi và thu nhập chủ yếu từ chính những cây, con như bò, lúa, mì, đậu, thanh long… Cũng dễ hiểu như vụ đông xuân này, ông Châu chuyển sang giống Đài Thơm 8, thu về 7 tấn/ha, giá lúa mua tại ruộng vào giữa tháng 3 được 6.800 đồng/kg. Với 4,3 ha lúa, ông thu về số tiền kha khá, sau khi trừ 60 triệu đồng chi phí phân thuốc.

“Ông lão trên 80 tuổi mà có thể làm lúa có lời như thế cũng đặc biệt” – một cán bộ thủy lợi bật mí như thế khiến tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vì tóc ông vẫn còn chưa bạc hết, mắt nhìn xa chưa phải nheo lại, cách nói chuyện còn minh mẫn nhanh nhẹn. Và nhất là đã 84 tuổi, ông vẫn còn làm lúa trúng như trên. “Tất cả nhờ có nước, nhờ cơ giới hóa và lúc cần nhờ mấy đứa con! Giờ ở Bắc Bình, dân làm ruộng không nhọc nhằn như trước” – ông Châu nói.

Tôi liên tưởng chuyện đam mê sản xuất của gia đình ông Châu tương tự như bao gia đình nông dân khác ở Bắc Bình, khi chịu sức hút từ nước. Đó là lý do diện tích sản xuất được tưới của huyện từ 5.000 ha năm 1983 đã lên hơn 32.000 ha hiện nay. Từ đó quyết định đưa sản lượng lương thực toàn huyện tăng và nâng chất lượng như hiện tại. Cũng nhờ có nước, nên đồng thời với những cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đa dạng loại, giống cây phù hợp trên từng vùng đất là chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang hiện đại đã và đang diễn ra ở đây. Bằng chứng, là sự xuất hiện của cơ giới hóa, của những trang trại nông nghiệp áp dụng công nghệ cao…

Ngăn nước ra biển

Chúng tôi tiếp tục đi dọc theo các con đường nối từ xã Phan Hòa lên xã Bình An, nơi bao cánh đồng còn vàng ươm những vạt lúa chờ gặt cuối mùa là những vạt sen đang mùa nở hoa bung cánh. Nắng tháng 4, gắt hơn màu hồng những búp sen nhưng không gian tỏa mát, nhờ hơi nước. Hiện toàn huyện Bắc Bình có khoảng 400 ha sen nhưng có lẽ phần lớn diện tích nằm trên khu vực các xã hưởng lợi từ tuyến kênh Úy Thay – Đá Giá – Bà Nao này. Từ Phan Hòa ở cuối nguồn nước cho đến xã Bình An đầu nguồn, sen chen với lúa. Đây là 1 cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng đồng thời cũng minh chứng 1 vùng từ khô hạn đã trở nên dồi dào nước, bởi sen vốn luôn cần nhiều nước mới sinh trưởng được. Nhớ cũng thời điểm tháng 3, tháng 4 này của năm 2000, hồ Cà Giây sau 4 năm xây dựng được khánh thành, một đồng nghiệp chở tôi bằng xe máy đi đưa tin đã bị lạng tay lái ngã xuống đường đất gập ghềnh. Tôi bị quăng xuống ruộng bên đường đau điếng, vì đất cứng. Cũng chỗ ấy, bây giờ đã là ruộng sen. Đâu chỉ thế, vùng Bắc Bình từ vùng thiếu nước đã thành vùng chuyển nước đến Hàm Thuận Bắc và cuối năm nay sẽ là Tuy Phong. Vì thế, chính tôi cứ trầm trồ, thán phục về một hành trình, về một sự thật rằng con người ở đất này đã thắng thiên nhiên, khi biết cách chuyển nước, tích nước từ vùng cao nguyên lắm mưa Lâm Đồng về vùng nhiều nắng đồng bằng của Bình Thuận qua thủy điện Đại Ninh.  

dap-dong-moi-o-luong-son-bac-binh-anh-n.-lan-.jpg
Đập Đồng Mới ở Lương Sơn (Bắc Bình).

Tính ra dễ chừng đã 40 năm. Bây giờ, lãnh đạo của chi nhánh thủy lợi Bắc Bình, những người trẻ ngồi ôn lại, nhận ra đó là cả quá trình của sự trăn trở, nghiên cứu tình hình, đề xuất tham mưu của lãnh đạo các thời kỳ của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận. Lúc đó biết là vốn khó nên cứ đề xuất đầu tư theo kiểu cuốn chiếu bức xúc. Bắt đầu từ hồ chứa nước Cà Giây, rồi tiếp đến kênh tiếp nước Úy Thay - Đá Giá – Bà Nao, đã giúp nhiều vùng đồng hưởng lợi sản xuất nhưng chỉ được 2 vụ ăn chắc. Cái chính vì lượng nước hồ Cà Giây tích được từ mùa mưa không đủ nước cung cấp cho sản xuất vụ 3. Lại trăn trở phải tích thêm nước nhưng bằng cách nào. Thì liền đó, tháng 12/2006 tổ máy số 01 của thủy điện Đại Ninh đi vào hoạt động, và thực tế, từng ngày nguồn nước xả của thủy điện cứ theo sông Lũy chảy ra biển. Thế nên kênh tiếp nguồn nước này vào hồ Cà Giây được xây dựng. Nhờ vậy, nhiều vùng ở Bắc Bình đã sản xuất 3 vụ ăn chắc. Nhưng nước xả sau thủy điện vẫn tiếp tục chảy ra biển, trong khi các xã, thị trấn phía Nam huyện Bắc Bình như Sông Lũy, Phan Thanh, Lương Sơn… thiếu nước vào mùa khô. Kề bên là các xã Hồng Liêm, Hồng Sơn, Thuận Hòa của huyện Hàm Thuận Bắc cũng không ngoại lệ, do nước hồ Sông Quao không thể nào vươn tới. Vì thế, Kênh chuyển nước 812 - Châu Tá, lấy nguồn nước xả sau Nhà máy thủy điện Đại Ninh về hồ Sông Quao được thi công nhanh chóng trong 2 năm. Sự xuất hiện của tuyến kênh chuyển nước liên huyện này đã khắc phục tình trạng thiếu nước ở những xã nó đi qua, đồng thời giúp hồ Sông Quao mở rộng diện tích tưới lên 25.760 ha, tăng 7.360 ha so với khi chưa có công trình.

Và nước xả sau thủy điện vẫn tiếp tục chảy ra biển, dù Dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết hoàn thành góp phần nâng diện tích tưới chủ động 3 vụ ở huyện lên 9.000 ha nữa nhưng suy cho cùng, dự án cũng chỉ dừng ở đập dâng. Đó là lý do hồ Sông Lũy, đóng vai trò như 1 “kho nước” đã xuất hiện vào năm 2020 tại vùng Phan Lâm, Phan Sơn và bắt đầu trữ nước từ nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh. Khoảng 15 ngày nay, trời nơi đây không mưa nhưng nước hồ Sông Lũy lên hơn 20 triệu khối nước, là minh chứng rõ nhất cho mục đích giữ lại hết mức có thể nguồn nước theo sông ra biển. Trong lúc này, dự án đầu tư xây dựng công trình Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong cũng đang triển khai, trong đó có kênh tiếp nước Tà Mú – Suối Măng – Cây Cà, tức chuyển nước từ huyện Bắc Bình ra huyện Tuy Phong dài khoảng 40,08 km. Đến cuối tháng 10/2023, kênh tiếp nước này sẽ hoàn thành, đánh dấu cuộc chuyển nước ra Tuy Phong bắt đầu.

kenh-chinh-dan-nuoc-cong-trinh-thuy-loi-ho-ca-giay-bac-binh-anh-n.-lan-.jpg
Kênh dẫn nước Cà Giây (Bắc Bình).

Tôi bỗng nhớ câu chuyện như truyền thuyết về giếng đường chùa ở phía sau dãy Hòn Ông mà lão Châu, người đã 84 tuổi, sống ở vùng giáp ranh 2 huyện Bắc Bình, Tuy Phong kể. Rằng nếu ai nói dối, làm không thật thì giếng sẽ tụt nước, bất kể trời mưa. Tôi không tin điều đó và nhận ra rằng, Bắc Bình – vùng khô hạn đã thành vùng chuyển nước. Đó là sự thật của hôm nay.

Khoảng 15 ngày nay, trời nơi đây không mưa nhưng nước hồ Sông Lũy lên hơn 20 triệu khối nước, là minh chứng rõ nhất cho mục đích giữ lại hết mức có thể nguồn nước theo sông ra biển.

Phóng sự: Bích Nghị