Bình Thuận - Truyền thống vẻ vang và khát vọng phát triển

Xã hội - Ngày đăng : 08:49, 13/04/2023

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận thường nhớ về thời khắc thiêng liêng đó là chiến thắng ngày 19/4/1975 giải phóng thị xã Phan Thiết - Bình Thuận đã đi vào lịch sử như một dấu mốc chói lọi, làm thay đổi cục diện và tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Truyền thống vẻ vang năm xưa

Ngược dòng thời gian trở lại với những ký ức hào hùng, từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tỉnh Bình Thuận đã trở thành nơi tụ nghĩa. Dưới ách đô hộ của đế quốc và phong kiến tay sai là cả quá trình nhân dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh chống áp bức bóc lột. Lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh do các sĩ phu yêu nước khởi xướng tuy chưa thành công nhưng đã có tác động hun đúc tinh thần quật cường, ý thức dân tộc của nhân dân Bình Thuận.

phan-thiet.jpeg
Một góc TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Từ tháng 2/1930 có Đảng Cộng sản Việt Nam soi đường. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, ở Bình Thuận, phong trào cách mạng đã chuyển hướng theo sự lãnh đạo của Đảng. Sự thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại làng Tam Tân cuối năm 1930 đã đưa phong trào yêu nước của nhân dân Bình Thuận phát triển sang một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản, có Đảng lãnh đạo.

Trải qua các phong trào đấu tranh thời kỳ 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945, Bình Thuận từng bước xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Đến tháng 8/1945, cùng với cả nước cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân Bình Thuận đã thành công trong toàn tỉnh, hệ thống chính quyền thực dân phong kiến bị tan rã, chính quyền nhân dân được thành lập từ tỉnh đến tận các thôn, xã. Tại sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân đã tổ chức mít tinh, diễu hành mừng ngày đất nước được độc lập, tự do.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, nhân dân Bình Thuận đã tích cực xây dựng lực lượng đẩy mạnh chiến tranh nhân dân. Trung đoàn 82 tỉnh Bình Thuận ra đời và đến cuối năm 1948, cùng với Trung đoàn 81 tỉnh Ninh Thuận hợp thành Trung đoàn 812, Trung đoàn cực Nam Trung bộ. Từ năm 1952 đến đầu năm 1954, quân dân Bình Thuận đã đánh địch giành nhiều thắng lợi. Những trận thắng lớn và sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến về nhiều mặt tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân tỉnh nhà khi bước vào năm 1954.

Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, trong điều kiện xa sự chỉ đạo, chi viện của Khu và Trung ương, nhân dân Bình Thuận đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường không ngừng vươn lên, giành những thắng lợi vẻ vang, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân trong tỉnh nhất tề đứng lên. Đặc biệt là trận đánh Tết Mậu Thân 1968, quân dân Bình Thuận đã đồng loạt cùng cả nước tiến công nổi dậy trên toàn miền Nam. Phan Thiết - Bình Thuận là một trong 44 trọng điểm ở miền Nam và là trọng điểm của Quân khu VI trong cuộc tấn công và nổi dậy này.

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/1975, trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công, tinh thần quần chúng sôi động hẳn lên, chớp thời cơ thuận lợi, với tinh thần chủ động ngày 5/4/1975, Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm giải phóng Ma Lâm. Ngày 8/4, quân ta tấn công chi khu Thiện Giáo. Đến ngày 13/4, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ lộ 8, chia cắt QL1A ở nhiều đoạn quan trọng, dồn địch về Phan Thiết trong thế cô lập.

Sau khi đập tan lá chắn thép Phan Rang, cùng với quân địa phương, Đại quân ta tiến vào Bình Thuận. Quân chủ lực tiến đến đâu, quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang truy quét tề điệp, giải phóng ấp, xã mình đến đó. Chiều 17/4 huyện Tuy Phong được giải phóng. Sáng 18/4 các huyện Hòa Đa, Phan Lý và Hải Ninh lần lượt được giải phóng. Vào ngày 18/4 Lữ đoàn 203 của Quân đoàn II và lực lượng tại chỗ đã vượt qua cầu Phú Long tiến vào Phan Thiết. Đến 2 giờ ngày 19/4, quân ta làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Phan Thiết. 9 giờ sáng ngày 19/4, Ủy ban Quân quản tỉnh Bình Thuận vào tiếp quản Phan Thiết. Trong cuộc kháng chiến gian khổ hào hùng ấy, đất và người Bình Thuận đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được đúc kết trong 12 chữ vàng mà Trung ương trao tặng: “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.

Phát huy tinh thần “quyết thắng” trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà

Bình Thuận là vùng đất tự hào về thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. Nói đến Bình Thuận là nhớ đến vùng đất “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”... Điều đặc biệt hơn, nhớ đến Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học, đã hun đúc, khơi dậy khát vọng trong mỗi con người Bình Thuận, nhớ đến những con người Bình Thuận kiên trung một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

Nếu như trong kháng chiến, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất kiên trung, kiên cường của miền cực Nam Trung bộ với những chiến công oanh liệt, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc thì 48 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Bình Thuận được biết đến với vùng đất đang trỗi dậy từ nơi khô, khó, khổ với khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngược dòng thời gian, từ khi chia tách tỉnh, Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… thiếu thốn. Sau 30 năm phát triển, Bình Thuận đã vượt khó, vươn lên và từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các địa phương khu vực và cả nước. Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân tăng 9,07%. Quy mô giá trị GRDP tăng từ 3.914 tỷ đồng năm 1992 lên 94.858 tỷ đồng năm 2022 (bằng gấp 24,24 lần, tăng bình quân 11,21% năm). Năng suất lao động năm 2022 bằng 17,7 lần so với năm 1992, tăng bình quân 10,05% năm. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 56,28 triệu đồng năm 2022 (bằng gấp 41 lần, tăng bình quân 13,24%/năm). Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 53.386 tỷ đồng, bình quân tăng 16,32%/năm; năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 11.300 tỷ đồng, vượt 33,13% dự toán HĐND tỉnh giao. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, hạ tầng thủy lợi, năng lượng, hạ tầng đô thị̣, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.

Sau chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối tháng 8/2022 và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 3/2023 cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh nhà. Trên thực tế, triển vọng phát triển kinh tế Bình Thuận có khá nhiều điểm tích cực, một phần dựa vào yếu tố “lực” của chặng đường sau 30 năm đã tạo nên, mặt khác dựa vào hệ thống hạ tầng mang tính động lực đã và đang triển khai, hoàn thành trong đó cảng biển đã được đầu tư, sân bay Phan Thiết đang triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Đặc biệt, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sắp hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những thành tựu to lớn đã đạt được; với khát vọng và quyết tâm lớn; với bản lĩnh và nghị lực; cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh, bền vững và trong tương lai Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

DỤNG VĂN DUY