Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn

Pháp luật - Ngày đăng : 05:30, 18/04/2023

Trong thời gian gần đây, công an các địa phương liên tục phát hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn. Mặc dù các vụ việc đã được lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn nhưng đây cũng là vấn đề rất đáng báo động.

Dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn nhỏ nhặt

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hay vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Chỉ vì một mâu thuẫn “lãng xẹt”, nhiều nhóm thanh thiếu niên sẵn sàng manh động, kéo nhau sử dụng hung khí "chiến tới bến", bất chấp hậu quả.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ việc thanh thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn đều đến từ những nguyên nhân nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 11/4, Công an xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc trong quá trình tuần tra trên tuyến đường Xoài Quỳ thuộc thôn Bình Lâm đã phát hiện 1 nhóm thanh niên khoảng 15 người đang tụ tập, cầm hung khí nên kiểm tra. Thấy lực lượng chức năng, nhóm thanh niên này bỏ chạy và Công an xã Hàm Chính đã bắt được 4 thanh niên, thu giữ 6 hung khí và 7 xe mô tô. Tiếp đó, tối 12/4, Tổ mô hình An ninh trật tự Xuân Phú - Xuân Hòa, thuộc xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết đã phối hợp tuần tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 nhóm gồm 17 thanh thiếu niên chuẩn bị hung khí đánh nhau.

z4270967516698_b5264a7a9e5712f55be3fbeaa9f0d010.jpg
Số hung khí nguy hiểm được Công an TP. Phan Thiết thu giữ 

Điều đáng báo động là đã có những thanh thiếu niên đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Ngày 17/3, Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết đã mở phiên tòa xét xử và 15 bị cáo tham gia vụ hỗn chiến đêm 22/8/2022 ở khu phố 2, phường Xuân An, Phan Thiết với tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết đã tuyên phạt các bị cáo từ 1 năm tù treo đến 26 tháng tù tùy vào mức độ phạm tội. Điều đáng nói, trong số 15 bị cáo này có những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc dưới 18 tuổi. Nguyên nhân vụ việc này xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc đi chơi giữa 2 nhóm thanh niên tại TP. Phan Thiết vào tối ngày 20/8/2022. Đến ngày 24/8/2022, cả 2 lên mạng xã hội lập nhóm rồi hẹn nhau mang theo hung khí giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả làm một thanh niên bị chém gây ra tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 15%, có dấu hiệu bị tật ở chân suốt đời do phải nối gân.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của gia đình và xã hội

Có thể thấy, dưới góc độ tâm lý, các em ở độ “trẻ trâu” dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, thiếu các kỹ năng sống. Do vậy, các em thường “bốc đồng” thích thể hiện mình và rất dễ bị kích động. Cùng với đó, sự phát triển của mạng xã hội kéo theo nhiều kênh YouTube, các trang Facebook, Tiktok có những nội dung thiếu lành mạnh, kích động bạo lực, cổ súy cho lối sống kiểu giang hồ, “xã hội đen” nên dễ tác động tiêu cực đến đạo đức lối sống của giới trẻ.

Mặt khác, các em nếu thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ dẫn đến tình trạng nói dối, a dua, đua đòi và tụ tập với những đối tượng xấu nên trở thành những đồng phạm. Bởi vậy, các em dễ bị lôi cuốn vào những hoạt động bạo lực, vi phạm pháp luật thì các em rất dễ sa ngã và trở thành tội phạm.

Để ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh đã có kế hoạch cụ thể giao cho các đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật để răn đe đối với những trường hợp khác. Cùng với đó, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình, quản lý chặt chẽ số thanh thiếu niên hư hỏng trên địa bàn, tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ nhằm hạn chế tối đa tình trạng sử dụng vũ khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn.

Tuy nhiên, ngoài việc xử lý của cơ quan chức năng thì vai trò của gia đình và nhà trường cùng các tổ chức đoàn thể xã hội trong quản lý, giáo dục là hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi ngoài tính răn đe, phòng ngừa trong xử lý, gia đình và nhà trường cần giám sát chặt chẽ giờ giấc, hoạt động của con, kịp thời uốn nắn và ngăn chặn những suy nghĩ lệch lạc của con cái, có như vậy mới hạn chế được thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… cần có các hoạt động hấp dẫn, lành mạnh để thu hút thanh niên tham gia, giúp các em tránh xa những cuộc chơi vô bổ để không bị lôi kéo, rủ rê sa vào con đường vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Nguyễn Luân