Huy động tối đa nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Đời sống - Ngày đăng : 05:35, 18/04/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (chương trình MTQG) được kỳ vọng là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi.

Tại tỉnh đã chủ động triển khai các bước đi nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực từ chương trình. UBND tỉnh đã khẩn trương thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh. Tăng cường việc đôn đốc thực hiện chương trình tại các địa phương để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý. UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các văn bản, đẩy nhanh việc giao vốn, tích cực giải ngân thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch vốn thực hiện trong năm 2023 để tạo chủ động trong triển khai công tác giải ngân ngay khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đồng bào vùng cao xã Phan Lâm (Bắc Bình) trồng chuối tăng thu nhập.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình MTQG giai đoạn I (2021 – 2025) nguồn ngân sách Trung ương 567.187 triệu đồng (vốn đầu tư 269.646 triệu đồng và vốn sự nghiệp 297.540 triệu đồng). Trong đó, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình năm 2022 trên địa bàn tỉnh 87.723 triệu đồng, gồm vốn đầu tư phát triển 51.905 triệu đồng và vốn sự nghiệp 35.818 triệu đồng. Đối với vốn đối ứng ngân sách địa phương năm 2022 chưa tự cân đối được do Trung ương phân bổ vốn chậm, bắt đầu từ năm 2023 trở đi thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương đối với chương trình MTQG là 15% so với vốn ngân sách Trung ương giao. Ngân sách địa phương bảo đảm khả năng cân đối, bố trí vốn đối ứng theo tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định cho 10 dự án thành phần.

Nhằm huy động tối đa các nguồn lực trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình; UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết; UBND tỉnh cũng ban hành các quyết định về kế hoạch thực hiện chương trình, kế hoạch vốn đầu tư phát, vốn ngân sách Trung ương… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS nhằm phát huy nội lực của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện chương trình MTQG. Cùng với đó, thực hiện lồng ghép nguồn vốn chính sách đồng bộ, thống nhất, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay các sở, ngành được phân công phụ trách các dự án, tiểu dự án và các địa phương đang tích cực, khẩn trương triển khai các thủ tục để thực hiện giải ngân tối đa các nguồn vốn được phân bổ trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh. Từ năm 2023 trở đi sẽ huy động đầy đủ, kịp thời các nguồn lực khác ngoài ngân sách đầu tư thực hiện chương trình (vốn vay tín dụng chính sách, vốn huy động hợp pháp khác...).

Toàn tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số với hơn 100.000 người, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tỉnh tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS. Nhiều chương trình, chính sách được triển khai đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống và sự phát triển giữa các vùng, miền.

Trong năm 2023 và đến năm 2025, thực hiện chương trình MTQG tỉnh sẽ tập trung phát huy tối đa nội lực để vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS với bình quân chung của cả nước. Trong đó, tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội. Từ đó gắn kết phát triển kinh tế giữa các địa phương, tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững…

C.Tường