Du lịch Vũng Tàu lo cạnh tranh với Mũi Né
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:16, 21/04/2023
Trên các diễn đàn, hội nhóm về du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều người mừng cho Bình Thuận, nhưng cũng lo lắng du lịch Vũng Tàu đã khó nay càng khó hơn, do thêm đối thủ cạnh tranh, khi thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận và Vũng Tàu đã ngang bằng nhau (chỉ hơn 2 giờ).
Vũng Tàu (Ô cấp) là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam từ xưa. Dân Sài Gòn có lẽ không mấy ai chưa một lần ghé Vũng Tàu đi du lịch, tắm biển ở bãi Trước, bãi Sau, bãi Dứa, bãi Dâu… Nay Vũng Tàu lo phải cạnh tranh khách với khu du lịch quốc gia Mũi Né (vốn sinh sau đẻ muộn hơn rất nhiều), chứng tỏ tiềm năng du lịch của Bình Thuận cũng “không phải dạng vừa đâu”.
Thực ra, Vũng Tàu và Mũi Né đều là 2 điểm đến cuối tuần lý tưởng, nằm liền kề nhau, với nhiều danh thắng, bãi tắm đẹp và ẩm thực biển phong phú, hải đặc sản tươi ngon. Nhưng nếu lấy TP. Hồ Chí Minh làm điểm xuất phát, thì thời gian di chuyển đến Mũi Né chắc chắn nhiều hơn thời gian đến Vũng Tàu. Trung bình thời gian từ TP. Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu mất khoảng 2,5 giờ, còn đến Mũi Né mất từ 4 - 5 giờ (nhiều hơn gấp đôi). Đối với những người bận rộn, eo hẹp thời gian, hoặc coi thời gian là vàng bạc, thì tiết kiệm được 4 giờ cả đi và về là rất đáng kể. Vì vậy Vũng Tàu là lựa chọn tối ưu hơn, phù hợp với những chuyến du lịch ngắn ngày cuối tuần của người dân thành phố.
Nhưng sắp tới, lợi thế về thời gian di chuyển không còn nữa, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu lo lắng Bình Thuận cạnh tranh khách là đúng thôi. “Phải làm gì đó đột phá càng nhanh càng tốt”, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, để cạnh tranh thu hút khách-nhiều cơ sở du lịch ở Vũng Tàu đã lên tiếng thúc giục.
Nhớ lại cách đây 8 năm, khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành thông xe, du lịch Vũng Tàu cũng có tâm trạng hân hoan như Bình Thuận hiện nay, vì thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Vũng Tàu rút ngắn chỉ còn 2 giờ. Với tiến độ triển khai quyết liệt các dự án cao tốc Bắc - Nam, để đến năm 2030 có trên 5.000 km cao tốc mà Chính phủ đề ra, thì lợi thế có cao tốc chỉ là nhất thời.
Thực tế, yếu tố giao thông thuận lợi, nhanh chóng chỉ đưa khách đến nhiều hơn, còn muốn khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay lại nhiều lần hơn, lại là chuyện khác. Du lịch Bình Thuận cần tận dụng thời cơ để tăng tốc, cần sớm phát triển kinh tế ban đêm, gắn với các dự án khu vui chơi, giải trí, mua sắm quy mô lớn phục vụ nhu cầu du khách. Đặc biệt, phải quyết tâm bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch một cách bền vững.