Một thời để nhớ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:45, 21/04/2023

Tháng 4 lịch sử cách đây 48 năm, những người lính ở khắp mọi miền Tổ quốc, cùng một mái nhà chung Quân đoàn 2 Anh hùng đã có mặt ở miền “cực Nam Trung bộ”, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận ngày nay.

Địa bàn hoạt động của Quân đoàn 2 là chiến trường Trị Thiên ác liệt nhưng vì duyên nợ mà các chiến sĩ Quân đoàn 2 đã hai lần có mặt Phan Thiết, cả hai lần đều đầy cảm xúc.

Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đoàn 2 đã trực tiếp chiến đấu đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang - Tháp Chàm, giải phóng tỉnh Ninh Thuận ngày 16/4; giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19/4; giải phóng tỉnh Bình Tuy ngày 23/4/1975. Kế tiếp vào năm 1977, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 305 cán bộ sĩ quan Quân đoàn 2 được Quân đội tăng cường về tỉnh Thuận Hải làm nhiệm vụ củng cố xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế. Nhưng năm 1979, để bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, một số sĩ quan Quân đoàn 2 đã tăng cường về Thuận Hải phải nhận nhiệm vụ ra biên giới phía Bắc. Còn lại đã chọn Phan Thiết – Bình Thuận làm quê hương thứ hai…

mot-thoi.jpg
Tác giả với Chủ tịch Hội Sĩ quan Quân đoàn 2 tại Bình Thuận Ngô Văn Dùng.

“Đầu năm 1974, trước chuyển biến của cách mạng, Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng chính quy tinh nhuệ. Ngày 17/5/1974, Quân đoàn 2 được thành lập (tại Quảng Trị). Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn đã trực tiếp chiến đấu giải phóng Thừa Thiên - Huế, giải phóng Đà Nẵng, đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang – Tháp Chàm giải phóng tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy; trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn cùng các Quân đoàn chủ lực, quân và dân các địa phương giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Quân đoàn đã vinh dự cắm cờ trên Dinh Độc Lập, bắt Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vô điều kiện lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975”.

Theo ông Ngô Văn Dùng, chính trị viên đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn 66 Anh hùng kể lại: “Từ Đà Nẵng tiến vào Sài Gòn theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thần tốc - Thần tốc hơn nữa. Trung đoàn 66 Anh hùng được giao nhiệm vụ mũi nhọn đánh thọc sâu vào Dinh Độc Lập. đánh chiếm các vị trí quan trọng như Bộ Quốc phòng; Đài phát thanh truyền hình nên được trang bị vũ khí, khí tài, xe, pháo mới hoàn toàn”.

Trưa ngày 20/4, Quân đoàn chia tay Quân khu 6 và Bình Thuận lên đường tiếp tục nhiệm vụ. Được sự chi viện của Quân đoàn 2 cùng với Trung đoàn 812, Tiểu đoàn 200C Bình Thuận, quận lỵ Bình Tuy nhanh chóng được giải phóng vào rạng sáng 23/4/1975.

Với thời gian thần tốc để tiến vào thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai), đây là nơi giao tranh ác liệt nhất giữa ta và địch. Quân đoàn 2 phải đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch Xuân Lộc, mở cửa cho đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mặc dù trên đường thần tốc hành tiến, với nhiệm vụ là mũi nhọn thọc sâu vào Dinh Độc Lập, nhưng đi đến đâu, chưa được giải phóng, theo yêu cầu của các địa phương Quân đoàn 2 phải dừng lại chiến đấu như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy… rồi bàn giao cho địa phương hành tiến vào Sài Gòn, ông Ngô Văn Dùng cho biết thêm.

Qua lời kể của cố Thiếu tướng Phạm Hoài Chương, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận trong cuốn tập san “Quân đoàn 2 - Một thời để nhớ” đã ghi: “20 giờ ngày 18/4/1975, Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 có cán bộ 812 Bình Thuận dẫn đường chia làm hai mũi ầm ầm vượt qua cầu Phú Long và băng Lầu Ông Hoàng tiến thẳng vào nội ô Phan Thiết, hai bên đường địch vứt bỏ súng ống, trang bị ngổn ngang, chạy trốn...”.

Cựu chiến binh Quân đoàn 2, Đỗ Xuân Mão (hiện Chi hội trưởng Cựu chiến binh Quân đoàn 2, huyện Đức Linh) kể: “Khoảng hơn 6 giờ sáng ngày 30/4/1975, sau hơn một giờ giao tranh ác liệt trước sự chống cự cuối cùng của địch trên cầu Sài Gòn, xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 2 đã đột kích thọc sâu vào nội đô”. Bùi ngùi một lúc, ông kể tiếp: “Tôi ước chừng cách Dinh Độc Lập khoảng 300m, bỗng chiến sĩ Tô Văn Thành, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 đang ngồi trên xe tăng nhào xuống đường vì trúng đạn của địch, đây là người chiến sĩ cuối cùng của đơn vị hy sinh trước giờ thắng lợi”. “Gần trưa, xe tăng 843 đi đầu húc thẳng vào cổng phụ Dinh Độc Lập bị mắc kẹt, ngay lúc đó xe tăng 390 lao lên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập”.

Được sự hướng dẫn của biệt động thành, đồng chí Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Quân đoàn 2, cùng chúng tôi chạy lên cầu thang, lái xe Đào Ngọc Văn giật lá cờ trên tay một người biệt động chỉ đường và đi thẳng lên tầng 2. Ngay lúc đó, các chiến sĩ lữ đoàn xe tăng 203 kéo cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập...

Hôm nay, đến thắp nén hương tưởng nhớ người anh là 1 trong 305 cán bộ sĩ quan Quân đoàn 2 năm ấy tăng cường về Thuận Hải, Thiếu tá Nguyễn Đức Châu, Lữ đoàn 164 pháo binh nổi tiếng ở Trị Thiên, lúc về Thuận Hải anh được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư huyện đảo Phú Quý. Ra đảo còn có Trung úy Nguyễn Văn Phùng, chính trị viên đại đội xe tăng thuộc Lữ đoàn 203, anh được giao làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Anh kể lại câu chuyện chiến trường ác liệt bằng mấy vần thơ: “Hoa vẫn nở trên chiến hào khói lửa/ Miệng vẫn cười xen giữa tiếng bom rơi/ Nguyện dâng hiến trọn cả cuộc đời/ Cùng tăng giải phóng đất trời quê hương”.

Thay lời kết, tôi xin ghi lại mấy câu thơ của cựu chiến binh Quân đoàn 2 Trương Quang Phát: “Chúng tôi những người lính trở về/ Dân dã lũ lam qua thời trận mạc/ Giọng nói ấy và dáng hình vẫn thế/ Vẫn mặn nồng lời của lính mà thôi”…

Danh lư