“Vắc xin” nào phòng, chống bạo lực học đường?

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:52, 21/04/2023

Bạo lực học đường - câu chuyện chưa bao giờ cũ. Xã hội bức xúc, trăn trở. Nhưng giải pháp nào cho vấn nạn này? Tình thương và giáo dục, trang bị cho thanh thiếu niên những chuẩn mực nhân bản tốt đẹp chính là "vắc xin" giúp các em gần hơn với cái đẹp, xa rời cái xấu.

Đã một tuần trôi qua, nhưng câu chuyện nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường vẫn còn làm dư luận nhói lòng. Bạo lực học đường là một câu chuyện cũ nhưng chưa có dấu hiệu giảm bớt. Mà ngược lại, trong những vụ việc bạo lực học đường gần đây, dường như độ bạo lực ngày càng tăng, sự thờ ơ của các em chứng kiến ngày càng nhiều, sự lạnh lùng của những cú xuống tay với bạn bè càng nhẫn tâm hơn. Không chỉ đánh hả hê mà còn phải quay clip tung lên mạng cho “đáng đời”. “Tác động vật lý” đã đáng sợ thì bạo lực tinh thần, như sự cô lập, đe dọa, chơi xấu… còn đáng sợ hơn nhiều. Sự bất an cộng dồn mỗi ngày thậm chí đẩy những đứa trẻ phải lựa chọn cái chết để kết thúc nỗi thống khổ tinh thần vượt quá ngưỡng chịu đựng. Trường học từ nơi an toàn, thân thiện trở thành nỗi ám ảnh đối với một số học sinh.

hoc-duong.jpg
Ảnh minh họa.

Em Minh Thư, học sinh lớp 10 ở một trường THPT trên địa bàn TP. Phan Thiết kể, em cũng từng chứng kiến một vụ bạo lực, mà nạn nhân chỉ vì nói chuyện với một anh lớp trên, bạn gái của anh đã hẹn ra “dằn mặt”.

Cho rằng thường rất ít khi học sinh trình báo thầy cô về các vụ bạo lực học đường, em Minh Phúc, học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) giải thích vì “sợ bị chặn đánh, hoặc nếu biết mình báo, tụi nó coi ra gì”. Em hiến kế: “Nhà trường nên vận dụng mạng xã hội để làm kênh tư vấn tâm lý online, “ẩn danh” sẽ khiến các bạn dễ “méc” hơn. "Chúng em cũng sẽ dễ dàng tâm tình, chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ khi có chuyện, thay vì âm thầm chịu đựng rồi giải quyết theo cách tiêu cực”, Phúc nói.

Một giáo viên ở một trường THCS trên địa bàn TP. Phan Thiết cho biết: Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô cũng không ít lần giải quyết các vụ bạo lực học đường liên quan tới học trò mình. Theo giáo viên này, bạo lực học đường xảy ra từ bất cứ nguyên nhân gì, không kể thời điểm nào, xuất thân hoàn cảnh gia đình em ra sao. Có em ba mẹ là công nhân viên cũng dắt cả nhóm qua trường khác “hỏi tội” vì bạn kia lỡ gây hấn trước. Có lần sau buổi thi học kỳ cô phải đi dắt học trò mình về vì tụ tập manh nha thành bạo lực. "Những đứa trẻ lứa tuổi cấp hai, cấp ba rất dễ nổi loạn, rất thích chứng tỏ bản thân và cũng rất dễ mắc sai lầm. Có khi chỉ vì một xích mích nhỏ, một cái nhìn “thấy ghét”, một câu trêu đùa “khó ưa” cũng có thể lớn chuyện. Do đó, rất cần thầy cô giáo gần gũi với học trò, chia sẻ, dẫn dắt chúng bằng tình thương yêu, tâm lý, tế nhị", giáo viên này chia sẻ.

Chị Ngọc Minh, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, có con đang học lớp 12, Trường THPT Hàm Thuận Bắc, cho rằng: Những đứa trẻ tuổi này thường dễ gần gũi với cô giáo hơn cha mẹ. Thời gian các con tiếp xúc với bạn bè, thầy cô còn nhiều hơn với cha mẹ. Nên thầy cô giáo gần gũi chúng sẽ tin tưởng dễ dàng tâm sự. Thầy cô giáo chú ý quan sát, sẽ phát hiện ra những biểu hiện tâm lý bất ổn hoặc những hành vi bất thường của chúng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thông tin giúp phụ huynh. Nhà trường cũng cần nghiêm khắc xử lý tới nơi tới chốn học sinh đánh bạn để răn đe.

Tất nhiên cha mẹ không vô can trước tình trạng bạo lực học đường. Gia đình là mái trường đầu tiên của con trẻ. Các chuyên gia giáo dục và tâm lý đã chỉ ra đôi mắt của trẻ em là máy ảnh, bộ não là một máy ghi âm, những lời nói và hành động của cha mẹ được khắc sâu vào trái tim chúng. Không ít cha mẹ mỗi ngày đều đang "tiêm nhiễm" vào đầu con trẻ bằng bạo hành ngôn ngữ như chửi rủa, nói xấu đồng nghiệp hay hàng xóm của mình. Chính cha mẹ cũng nặng lời quát tháo, đánh con cái vì quan niệm "thương cho roi, cho vọt". Bạo lực sinh ra bạo lực. Bạo lực tiếp nối bạo lực. Bạo hành trong gia đình là mầm mống của bạo lực trong xã hội.

Ở một góc nhìn khác, anh Quang Huy, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết cho rằng bạo lực học đường là một trong những mặt trái của mạng xã hội. Clip đánh nhau, game bạo lực chém giết đầy rẫy trên internet. Nó có thể xâm nhập tâm hồn, biến các em thành những đứa trẻ bạo lực từ lúc nào mà người lớn không biết. Phụ huynh nên để ý những gì con em mình đọc, xem hàng ngày. Ngoài ra, dù bận đến đâu, phụ huynh cũng hãy dành thời gian nói chuyện với các con, quan tâm đến những gì con mang đi học mỗi ngày, đến thái độ, cách cư xử, hay những biểu hiện sợ sệt không bình thường, những vết tích khác thường trên cơ thể con.

Lên mạng gõ từ khóa “clip bạo lực học đường” sẽ được trả về 4.840 kết quả, riêng Youtube có 89 clip liên quan, nằm ở lượt tiếp cận đầu tiên là những clip hot, triệu lượt xem. Trong tương tác “không biên giới” của internet, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp dần rời xa những chuẩn mực ban đầu, thanh thiếu niên lệch chuẩn là hậu quả đã được báo trước. Vì vậy, rất cần sự quyết liệt làm sạch không gian mạng bằng các chế tài dọn dẹp các clip gây ô nhiễm văn hóa. Trong khi các thuật toán trên mạng xã hội vẫn thu thập thói quen của người dùng, dựa vào lượt thích, lượt xem để đưa nội dung “on top”, việc đẩy lùi những thông tin tiêu cực phụ thuộc vào bộ lọc cá nhân mỗi người. Như vậy trang bị vắc xin phòng, chống bạo lực học đường cho con trẻ, lại bắt đầu từ việc giáo dục, từ cái gốc của giáo dục là dạy làm người. Mà để giáo dục con trẻ, không cách nào khác hơn là người lớn phải làm gương. Từ lời ăn tiếng nói, tác phong, thái độ cư xử cho đến lối sống hằng ngày của cha mẹ, thầy cô, người lớn xung quanh đều tác động trực tiếp đến các em. Chúng ta làm những tấm gương như thế nào thì sẽ có những đứa trẻ như thế ấy. Nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer (giải Nobel Hòa bình năm 1952) đúc kết: “Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: Cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương”.

Hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền, kêu gọi cũng không bằng những tấm gương cha mẹ, thầy cô, người lớn cư xử có văn hóa, văn minh, chuẩn mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Trẻ em trong như tấm gương, cái tốt dễ tiếp thu, cái xấu cũng dễ tiếp thu. Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt. Cho nên muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách, trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.

ngọc diệp