Hội thảo chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, đào tạo

Xã hội - Ngày đăng : 18:46, 21/04/2023

BTO-Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật (Liên hiệp hội) phối hợp Trường Cao đẳng Bình Thuận vừa hội thảo thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đào tạo, vào sáng nay, 21/4. Lãnh đạo Liên hiệp hội, sở ngành liên quan, gần 120 sinh viên Trường Cao đẳng Bình Thuận tham dự.

TS. Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp hội phát biểu khai mạc nhấn mạnh, chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu và tác động đến nhiều mặt của cuộc sống. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, giáo dục, đào tạo là trong số lĩnh vực cần được ưu tiên CĐS. Chuyển đổi số sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lí của nhà trường hướng đến phát triển bền vững; góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Ở Bình Thuận, CĐS tại các cơ sở giáo dục, đào tạo đã đem lại hiệu quả trong quản lý, giáo viên linh hoạt, chủ động trong phương pháp giảng dạy, học sinh, sinh viên tiếp cận được kho tài liệu không giới hạn, chất lượng giảng dạy được nâng cao, cắt giảm được chi phí học tập...

img_3081.jpg
 Đại diện Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tham luận ở hội thảo

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo sở (Giáo dục & Đào tạo, Lao động Thương binh & Xã hội, Thông tin & Truyền thông) đã trình bày các tham luận về: Công tác hỗ trợ CĐS trong dạy học, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các trường học trên địa bàn; tình hình CĐS, hỗ trợ trong việc CĐS ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tình hình CĐS của Trường Cao đẳng Bình Thuận, thuận lợi, khó khăn, giải pháp thời gian tới.

img_3083.jpg
 TS. Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp hội (bên trái ảnh) cùng đại diện sở ngành liên quan dự hội thảo

img_3086.jpg
 Sinh viên Trường Cao đẳng Bình Thuận tham gia hội thảo

Trong đó ngành giáo dục của tỉnh đã ứng dụng CĐS trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá, quản lý học sinh, quản lý chuyên môn. Trường Cao đẳng Bình Thuận đã xây dựng, triển khai, nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo nhiều năm qua, thuận lợi trong quản lý, công tác tuyển sinh, tổ chức dạy học một số môn bằng hình thức trực tuyến, khảo thí, quản lý điểm, thu chi tài chính. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng đã ứng dụng CĐS nhập cơ sở dữ liệu trên phần mềm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh, dạy học trực tuyến trong mùa dịch… Các đại biểu tại hội thảo cũng đã trao đổi, phân tích những ảnh hưởng của CĐS, những khó khăn, đề xuất những giải pháp CĐS trong các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp thời gian tới.

T. Khoa