Triển khai đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo

Xã hội - Ngày đăng : 08:28, 25/04/2023

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023 UBND tỉnh đề ra mục tiêu giảm 0,52% hộ nghèo toàn tỉnh và đảm bảo người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống; tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn 8.659 hộ nghèo (chiếm 2,58% số hộ toàn tỉnh); trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 32,35%. Toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Để có được kết quả đó, năm qua, tỉnh đã triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt. Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở được triển khai kịp thời. Đến nay, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Bình Thuận đã giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất.

852b14ff-762d-4246-b978-d1ef43e7632a.jpeg
Nông dân thu hoạch mủ cao su. Ảnh: N. Lân

Năm 2023, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 0,52% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; bảo đảm người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2023, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời. Trong đó lưu ý tập trung thực hiện đảm bảo các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ nghèo như: Tín dụng ưu đãi, chính sách y tế, hỗ trợ giáo dục, nhà ở… Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều.

Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ trong năm hoặc đột xuất. Bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh triển khai thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đảm bảo đầy đủ, kịp thời; đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; tập huấn nâng cao năng lực nhất là nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm cho cán bộ làm công tác giảm nghèo…

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện đạt kế hoạch chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023. Huy động, tạo nguồn lực tại chỗ và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn bảo đảm mục tiêu và tập trung trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trong chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát các nguồn vốn đầu tư. Chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, nhất là tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…

Kim Anh