Trường Đại học Phan Thiết: Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:57, 26/04/2023
Nâng cao chất lượng
PGS.TS. Võ Khắc Thường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với phương châm “Thực học – Thực nghiệp – Học suốt đời để làm việc suốt đời”, Trường Đại học Phan Thiết đào tạo theo định hướng ứng dụng với chương trình đào tạo linh hoạt, sinh viên vừa đào tạo tại trường vừa đào tạo tại các doanh nghiệp cùng rất nhiều chương trình học tập thực tế đa dạng. Đồng thời, xây dựng môi trường giáo dục mở, linh hoạt hướng tới phục vụ người học, phục vụ cộng đồng ngày một tốt hơn.
Qua 14 năm hình thành và phát triển, đến nay cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy được nhà trường đầu tư ngày càng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Hiện trường có 30 phòng học, giảng đường với diện tích bình quân 11 m2/phòng, 1 hội trường với diện tích 800 m2, 4 phòng học máy tính, có ký túc xá cho sinh viên. Các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành phục vụ các ngành đào tạo như truyền thông đa phương tiện, khách sạn, nhà hàng, kỹ thuật xét nghiệm y học và xưởng thực hành ô tô... Cùng với đó, lực lượng giảng viên, nhà trường đã tuyển chọn và xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phẩm chất đạo đức tốt. Hiện trường có 14 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 89 thạc sĩ, 32 kỹ sư và cử nhân và 15 trình độ khác…
Từ những ngày mới thành lập, Trường Đại học Phan Thiết đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 5 ngành bậc đại học và cao đẳng hệ chính quy. Đến nay, nhà trường đã và đang đào tạo 16 mã ngành với hơn 20 ngành và chuyên ngành đào tạo, trình độ đại học chính quy, hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên thông đại học, bao gồm hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2022, Bộ Y tế đã cho phép trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe, ngành đầu tiên đào tạo đó là ngành kỹ thuật xét nghiệm y học. Ngoài ra, trường đào tạo trình độ thạc sĩ với 3 mã ngành gồm quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh và luật kinh tế. “Chương trình đào tạo luôn được trường điều chỉnh đổi mới, chất lượng được nâng cao đáp ứng nhu cầu của nhà sử dụng lao động. Cùng với đó, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá đã có sự đổi mới khá toàn diện theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, hoạt động giảng dạy. Nhờ đó, số lượng tuyển sinh nhập học hàng năm khoảng 800 sinh viên và 80 học viên cao học. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường hơn 90%”, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
Khó khăn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Trường Đại học Phan Thiết còn gặp một số khó khăn, bất cập như vướng công tác giải phóng mặt bằng, công tác tuyển sinh gặp trở ngại do hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường về liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh, việc liên kết có cả các ngành mà Trường Đại học Phan Thiết hiện đang đào tạo. Việc thu hút các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên có học hàm học vị cao gặp nhiều khó khăn vì người có trình độ, học hàm học vị cao muốn được công tác ở những trung tâm kinh tế lớn đã là thực tế hiện nay. Thời gian tới, Trường Đại học Phan Thiết sẽ chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyển sinh, ưu đãi về học phí và chính sách học bổng để thu hút thí sinh, tạo những điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong quá trình học tập sau này. Thực hiện tốt chính sách thu hút, đào tạo nhân tài của tỉnh, có chế độ đãi ngộ thích hợp nhằm thu hút những người có trình độ cao, chuyên môn giỏi về công tác tại trường. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập...
Tại buổi làm việc với Trường Đại học Phan Thiết mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định sự ra đời và phát triển của Trường Đại học Phan Thiết có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy ủng hộ định hướng, chiến lược phát triển của nhà trường. Đồng thời lưu ý, các ngành đào tạo của nhà trường cần bám sát 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch). Bên cạnh đó, nhà trường cần nghiên cứu, đào tạo thêm các ngành nghề mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, chuyển đổi số. Công tác đào tạo phải đi đôi với chất lượng, phải đảm bảo chất lượng của đội ngũ giảng viên, cũng như chất lượng học tập của sinh viên, học viên. Cùng với đó, nhà trường cần tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao quá trình, kết quả nghiên cứu về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng lợi thế nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, chưa xứng tầm...