Bình tĩnh nhưng không chủ quan với Covid-19
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:45, 26/04/2023
Cùng với đó, các chuyên gia y tế cảnh báo, miễn dịch cộng đồng bắt đầu có chiều hướng giảm dần và do tâm lý chủ quan của người dân cho rằng dịch bệnh được kiểm soát dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp phòng bệnh khiến dịch Covid-19 tăng trở lại trong các ngày gần đây.
Còn nhớ, 3 năm trước, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và sau đó dịch “lây lan”, cả nước đã trải qua những ngày tháng “cam go” nhất, cả hệ thống chính trị “gồng mình” để khống chế đại dịch thành công, đưa cuộc sống trở về bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể chủ quan trong phòng, chống dịch khi vẫn có sự xuất hiện của những biến thể mới của SARS-CoV-2.
Đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ 27/4/2021) đã bùng phát mạnh, trên diện rộng, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh mạng của người dân và ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế - xã hội của đất nước. Trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, lại rơi vào 30/4 và 1/5, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Có thể nói, vi rút SARS-CoV-2 không hoàn toàn biến mất, mà vẫn ẩn nấp trong cộng đồng, chờ cơ hội thuận lợi để trở lại. Nếu chủ quan, lơ là với dịch bệnh, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Sự đau thương, mất mát từ các đợt dịch trong những năm qua chắc vẫn còn chưa nguôi với không ít người.
Nhưng bây giờ cách nghĩ về dịch Covid-19, cách phòng, chống dịch của một số người đã khác trước. Dường như khi “dịch bệnh thoái lui” thì sự “chủ quan” lại gia tăng. Giờ ra đường chúng ta dễ bắt gặp nhiều trường hợp ở nơi công cộng, đi tàu xe, nơi tập trung đông người, vẫn còn có không ít người không đeo khẩu trang... Cũng không ít người không muốn tiêm vắc xin mũi 3, 4 vì cho rằng dịch bệnh đã hết - một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta cần phải ý thức rằng những biến chủng mới của Covid-19 xuất hiện thì khả năng lây nhiễm càng cao. Nên trong mọi trường hợp thì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Ngày 21/4/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Văn bản số 1830 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người; đặc biệt vào dịp nghỉ 5 ngày lễ 30/4, 1/5 và suốt thời gian Bình Thuận tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia sẽ thu hút “một lượng lớn” người dân và du khách tham gia. Đặc biệt, “tấm áo giáp” quan trọng nữa là người dân và du khách cần trang bị “vắc xin ý thức”, không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt...
Song song đó, bước vào tháng 5, cùng với thời tiết, dịch bệnh “giao mùa” là thời gian các em học sinh “tăng tốc” bước vào kỳ thi. Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tuyên truyền, có định hướng cho học sinh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại trường học và cộng đồng. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, du khách. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 2K + vắc xin, miễn dịch, tuân thủ. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn và tiêm vắc xin phòng Covid-19 bổ sung đầy đủ.
Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, mỗi người dân có ý thức “chung tay” thực hiện nghiêm các khuyến cáo hãy chủ động thực hiện 4 “chìa khóa” phòng, chống Covid-19 gồm 2K + khử khuẩn, vắc xin, miễn dịch, tuân thủ là góp phần để những ngày nghỉ lễ vui tươi, an toàn khi cả nước và tỉnh nhà sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dài, gia tăng sự giao lưu nên “nguy cơ lây nhiễm” cũng sẽ tăng. Không chủ quan lơ là, cũng không hoang mang lo sợ, mất bình tĩnh nhưng vẫn cần luôn theo dõi, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.