Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Có giàu bền vững ở Hàm Thuận Nam

Xã hội - Ngày đăng : 05:23, 27/04/2023

Từ những năm 1990 đến nay, cây thanh long ở Hàm Thuận Nam phát triển, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu, dẫu qua nhiều đợt rớt giá. Không chỉ vậy, những tiềm lực khác của huyện cũng tạo động lực phát triển kinh tế đa ngành nghề, giúp người dân có nhiều nguồn thu nhập để làm giàu bền vững.

Vẫn bám trụ sau những lần rớt giá

“Với 2,4 ha thanh long ruột đỏ, sau khi chong đèn ra hoa kết trái, tôi thu hoạch 37 tấn trái, bán 36.000 đồng/kg, nên thu về hơn 1,2 tỷ đồng”, ông Đỗ Mười (xã Thuận Quý) chia sẻ. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ (xã Mương Mán) cũng thu về hơn 1 tỷ đồng, nhờ vào 4.000 trụ thanh long ruột trắng, giá bán 20.000 - 23.000 đồng/kg. Không riêng gì ông Mười, ông Sỹ mà nhiều hộ khác trong huyện có nguồn thu khấm khá từ đầu năm 2023 đến nay. 3 tháng đầu năm 2023, Hàm Thuận Nam có 13.699 ha diện tích thanh long, thu hoạch đạt 95.000 tấn. Giá bán thanh long ruột trắng 17.000 - 24.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 22.000 - 38.000 đồng/kg. Nhìn chung, phần lớn người trồng thanh long vừa được mùa vừa được giá.

ham-thuan-nam-2-.jpg
Hải sản về bãi biển Kê Gà, Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Lân

Để có được nguồn thu trên, người dân Hàm Thuận Nam trải qua đôi lần rớt giá. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, việc xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Một số nước tạm dừng nhập khẩu hoặc có nhưng số lượng rất ít. Chuyện này làm cho nhiều lứa thanh long không thể tiêu thụ được. Người trồng và buôn bán thanh long ở Hàm Thuận Nam chịu sự tác động không mong muốn. Tuy nhiên, trong cái khó ấy, người dân ở đây vẫn kiên trì bám trụ chăm sóc cây thanh long. Minh chứng cụ thể là diện tích thanh long Hàm Thuận Nam trước dịch Covid-19 là 14.786 ha và sau đại dịch Covid-19 là 14.744 ha. Như vậy, diện tích thanh long toàn huyện chỉ giảm 42 ha, tương ứng 0,28%, một con số không đáng kể.

Có thể nói rằng, khí hậu, thổ nhưỡng ở Hàm Thuận Nam phù hợp cho cây thanh long phát triển; đến nay chưa có cây trồng nào thay thế được. Cũng từ cây thanh long mà đời sống người dân trong huyện “thay da đổi thịt” từng ngày, từ diện tích trồng nhỏ lẻ vào những năm 1990 đến nay trở thành 1 vùng chuyên canh; mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay 45 - 46 triệu đồng/đầu người/năm. Trong đó, có những xã có mức thu nhập bình quân khá cao trong huyện gồm, thị trấn Thuận Nam 55,8 triệu đồng/người/năm, xã Hàm Cường 54 triệu đồng/người/ năm, xã Hàm Minh 51,4 triệu đồng/người/năm… Và không ít người trở nên khá giả, giàu có ở hàng tỷ phú với nhiều nhà mái Thái, nhiều biệt thự trị giá vài tỷ đồng nằm giữa vườn thanh long xanh mướt. Người dân Hàm Thuận Nam xác định cây thanh long là cây chủ lực trong thời gian tới và tiếp tục đầu tư quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, bao bọc trái còn non cho đến thu hoạch và không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao giá trị sản phẩm hơn nữa.

Đa dạng ngành nghề

Song hành cùng cây thanh long, Hàm Thuận Nam còn phát triển kinh tế du lịch, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ khác đi kèm. Nhờ vậy, không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương mà còn thu hút người dân ở nơi khác đến. Bởi Hàm Thuận Nam có rừng, có biển và đa dạng tài nguyên lại có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, tính đến lúc này đã trở thành động lực cho thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng đa ngành nghề.

ham-thuan-nam-1-.jpg.jpg
Vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Lân

Chẳng hạn, các xã giáp biển như Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý ngoài việc trồng thanh long, người dân khai thác thủy sản với nghề bẫy mực, lưới rê… Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 2.830 tấn/năm, trong khi lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 1.994 tấn. Cùng với đó, là mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản với diện tích vùng biển là 43,4 km, góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam. Đến nay, mô hình này có sự gia tăng đáng kể về trữ lượng và số loài hải sản; thu nhập của ngư dân được cải thiện. Song song đó, tại các xã này còn có thế mạnh phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái...

Nhờ sự tổng hợp đa ngành nghề đã giúp người dân ở các xã giáp biển có mức thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn so với mức bình quân chung của huyện. Cụ thể, năm 2022, xã Thuận Quý có mức thu nhập bình quân đầu người là 54,48 triệu đồng/người/năm; 52 triệu đồng người/năm với xã Tân Thuận, 47 triệu đồng/người/năm với xã Tân Thành. Với yếu tố thuận lợi kết hợp sự sáng tạo, chăm chỉ của người dân, mức thu nhập bình quân ở các xã này sẽ không dừng ở mức ấy mà còn có sức bậc xa hơn trong thời gian tới.

Trong khi đó, ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mỹ Thạnh, Hàm Cần có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, giá trị gia tăng thấp nên tích lũy để phát triển không được nhiều. Như năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở xã Mỹ Thạnh là 37,2 triệu đồng/người/ năm, xã Hàm Cần là 41,2 triệu đồng/người/năm thấp hơn mức bình quân chung của huyện (46 triệu đồng/người/năm). Để rút ngắn khoảng cách về thu nhập và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nơi đây, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trang Hiếu