Lãnh đạo Mỹ - Hàn không thảo luận về hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 15:57, 27/04/2023
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, ông và người đồng cấp Mỹ đã đồng ý về những bước đi nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cho Hàn Quốc, nhằm đối phó với mối đe doạ từ Triều Tiên. Theo đó, hai nước nhất trí thiết lập Nhóm tham vấn hạt nhân nhằm điều hành hệ thống răn đe mới một cách cụ thể. Hai nước sẽ chia sẻ thông tin về các chiến dịch hạt nhân và chiến lược, lên kế hoạch và tổ chức thảo luận đều đặn về cách thi hành các hoạt động chung giữa lực lượng phi hạt nhân tiên tiến của Hàn Quốc cùng lực lượng hạt nhân Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong buổi họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Getty
Hai nước đồng ý tham vấn song phương cấp tổng thống nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân và sẽ đáp trả nhanh chóng, lấn át và mang tính quyết định, huy động đầy đủ lực lượng của liên minh, bao gồm các vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Trong tuyên bố Washington giữa Mỹ và Hàn Quốc, phía Mỹ cho biết sẽ cung cấp thông tin sâu cho Hàn Quốc và để Hàn Quốc có tiếng nói trong việc hoạch định kế hoạch khẩn cấp nhằm răn đe và đáp trả bất kỳ sự cố hạt nhân nào ở khu vực thông qua Nhóm Tham vấn hạt nhân Mỹ - Hàn. Mỹ cũng sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1980, điều một tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc để thị uy và củng cố liên minh Mỹ - Hàn.
Dù cho đồng minh tiếp cận sâu hơn với chương trình hạt nhân song ông Biden cũng nhấn mạnh không có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng sẽ không tự phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng. Phía Mỹ cũng mong muốn Hàn Quốc có bước đột phá ngoại giao thực chất với Triều Tiên nhằm củng cố sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Điểm mấu chốt là hợp tác, tham vấn gần hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đồn trú vũ khí hạt nhân trên bán đảo mà chỉ cho các tàu ngầm hạt nhân ghé thăm và những hoạt động đại loại vậy. Tôi có quyền tuyệt đối với tư cách là tổng tư lệnh và quyền duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng ý nghĩa của tuyên bố là chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tham khảo ý kiến của các đồng minh khi thích hợp”.
Theo đánh giá, đây được xem là một thắng lợi lớn mà Tổng thống Hàn Quốc đạt được trong chuyến thăm Mỹ lần này. Giới phân tích khẳng định, dù sự can dự của Mỹ chỉ mang tính hình thức nhưng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, việc Mỹ cung cấp thông tin sâu và để Hàn Quốc có tiếng nói trong việc hoạch định kế hoạch khẩn cấp nhằm răn đe và đáp trả bất kỳ sự cố hạt nhân nào ở khu vực cho thấy, Mỹ đang xem xét các mối quan ngại của Hàn Quốc một cách nghiêm túc. Ông Duyeon Kim - một nhà phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ, cho rằng Tuyên bố Washington là một thắng lợi lớn cho liên minh và đặc biệt là cho Hàn Quốc.
Những tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa và hạt nhân đang khiến dư luận Hàn Quốc gia tăng lo ngại. Các chương trình vũ khí tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo có thể vươn tới các thành phố của Mỹ, đã khiến dư luận Hàn Quốc đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để bảo vệ Hàn Quốc theo cái mà họ gọi là biện pháp răn đe mở rộng hay không. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần 77% người dân Hàn Quốc nói rằng nước này cần sở hữu vũ khí hạt nhân, cho rằng có vũ khí hạt nhân mới là sự ngăn chặn mạnh mẽ và hiệu quả nhất đối với các cuộc tấn công hạt nhân.
Bên cạnh cam kết về an ninh, tại cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên cũng đạt được các thỏa thuận về an ninh mạng, xe điện và pin, công nghệ lượng tử, hỗ trợ nước ngoài và đầu tư kinh tế.