Bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc
Trong nước - Ngày đăng : 15:26, 28/04/2023
Trong bối cảnh thương mại chung giữa Việt Nam với nhiều thị trường sụt giảm sâu trong quý I vừa qua, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam do gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương. Trung Quốc được nhận định vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng và dư địa lớn, cho các DN xuất khẩu khai thác các đơn hàng trong những quý tiếp theo.
Tăng cơ hội đi kèm nhiều quy chuẩn mới
Tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ngày 28/4, lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo, trong Quý II, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục sẽ có sự hồi phục và tăng trưởng so với Quý I, mức độ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 sẽ dần được thu hẹp. Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero-covid”, thị trường gần 1,5 tỷ dân này không còn “dễ tính” trong nhập khẩu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ngày 28/4.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các DN cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để xuất khẩu hàng hóa thuận lợi vào thị trường này.
Chia sẻ từ ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho thấy, để tăng cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc, hiện DN đã chuẩn bị xây dựng xong trung tâm “Made in Việt Nam” tại Trung Quốc. Đây sẽ là nơi để DN giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc.
“DN đã nghiên cứu sâu thị trường Trung Quốc và từ lâu đã xuất khẩu sang thị trường này nhiều nhóm mặt hàng, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Trung Quốc đặt ra. Trong đó DN chú trọng các vùng nguyên liệu hữu cơ tại Việt Nam, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của phía Trung Quốc. DN rất mong muốn thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tạo điều kiện tốt nhất, để DN đưa các dòng sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường này”, ông Dũng đề xuất.
Dự báo từ cơ quan thương vụ và các chi nhánh thương vụ tại Trung Quốc cũng cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng ổn định và phục hồi tương đối rõ ràng trong Quý I và dự báo sẽ bước vào thời kỳ phục hồi nhanh chóng trong Quý II. Dữ liệu tháng 3 của Trung Quốc cho thấy chỉ số hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ, vận tải, dịch vụ đều cao hơn 60%. Điều này thể hiện xu thế tiêu dùng, chi tiêu cho các hoạt động đi lại giao thương, sử dụng dịch vụ của người dân đã phục hồi nhanh chóng.
Đặc biệt, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cặp cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đi vào ổn định, hiệu suất thông quan được nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hai bên trong thời gian tới.
Ông Lương Văn Tài, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, từ tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Đặc biệt từ đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy triển khai các chính sách mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngoại thương. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thông qua việc tiếp cận vốn, bảo hiểm xuất khẩu; tạo thuận lợi hóa thương mại, thông quan hàng hóa.
“Trung Quốc quy định về đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248), yêu cầu DN nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại 1 cửa (CIFER). Tuy nhiên hiện nay một số DN xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là DN xuất khẩu thủy sản) chưa kịp đăng ký gia hạn DN, khiến hoạt động xuất khẩu của một số DN bị gián đoạn. Vì vậy, các DN thủy sản cần chủ động trong việc đăng ký gia hạn xuất khẩu trên hệ thống CIFER, tránh đăng ký gia hạn vào gần thời điểm hết hạn”, ông Tài lưu ý.
Ùn ứ nông sản xuất khẩu vẫn hiện hữu
Tín hiệu vui khác từ thị trường Trung Quốc được ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc nới nỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan. Mặc dù vậy, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện nên khả năng ùn ứ xuất khẩu vẫn hiện hữu, nhất là khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.
Ông Quân đề nghị xây dựng phương án xúc tiến thương mại có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào 1 vài ngành hàng hoặc 1 vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Xem xét có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc. Tư vấn, khuyến nghị các địa phương Việt Nam nên tổ chức các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy.
Theo bà Triệu Thúy Nga, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc) cho biết, Văn phòng đã có dịp làm việc, trao đổi với phía DN quản lý chợ đầu mối nông sản Shuangfu và San Ke, họ rất mong muốn được gặp gỡ, làm việc với các DN Việt Nam, tìm đầu mối cung ứng trực tiếp tránh được các khâu trung gian, giảm chi phí giá thành.
“DN Việt Nam có nhu cầu có thể đến khảo sát để trao đổi hợp tác khi phía bạn dự kiến sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam trong quý II hoặc quý III năm nay để tìm kiếm đối tác, nhà cung ứng. Các địa phương, Hiệp hội, DN có nhu cầu kết nối, tìm kiếm đối tác đề nghị liên hệ với Văn phòng Trùng Khánh để hỗ trợ thu xếp đoàn sang khảo sát, làm việc, trao đổi tìm kiếm đối tác”, bà Nga khuyến nghị.
Đánh giá kết quả giao ban lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, DN kịp thời nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc, cập nhật kịp thời các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại mới và hướng dẫn DN chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường, chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường Trung Quốc, góp phần cải thiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.