Khánh thành tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết – Dầu Giây

Kinh tế - Ngày đăng : 12:54, 29/04/2023

BTO-Ngày 29/4, tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khánh thành tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết – Dầu giây và Mai Sơn – Quốc lộ 45 (truyền hình trực tuyến).

untitled_1.10.1-1-.jpg
Lễ khánh thành tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết – Dầu Giây.

Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí: Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; Trần Văn Sơn – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến – Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Danh Huy – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Cao Tiến Dũng Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà thầu xây dựng tuyến cao tốc cùng người dân sống gần cao tốc.

untitled_1.1.18.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài 99 km, mặt đường 32 m với 6 làn xe, có 6 nút giao, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc, 47 cầu vượt) được khởi công vào cuối tháng 9/2020, tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng. Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và qua địa phận huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Dự án được khởi công vào tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

untitled_1.1.3.jpg
Đồng chí Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có tuyến cao tốc đi qua phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn vật liệu, thỏa thuận kết nối các công trình hạ tầng kỹ thuật của địa phương và công tác bảo đảm an ninh trật tự trong suốt quá trình thi công, góp phần thúc đẩy hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.

untitled_1.1.8.jpg
Lãnh đạo Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành

Việc đưa cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, là ước mơ bao đời nay của người dân Bình Thuận. Từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho các địa phương có cao tốc đi qua; hình thành mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại, đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách, giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Qua đó kết nối thuận tiện với các khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh đặc sắc trên địa bàn tỉnh; tạo động lực quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần thực hiện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Trong thời gian tới, nhằm khai thác tối đa các cơ hội mà dự án cao tốc mang lại, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật các thông tin về quy hoạch, các cơ chế, chính sách mới của địa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, nội vùng và liên vùng, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các nút giao liên thông, các tuyến đường kết nối từ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh. Khai thác hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân, kết nối đồng bộ giữa vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ logistics. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; kêu gọi, thu hút các  doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Thuận để phát triển 3 trụ cột kinh tế “Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp….

untitled_1.1.9.jpg
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thông tuyến.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Dự án được sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội quan tâm vào cuộc chỉ đạo, Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực mà Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, các nhà thầu đã làm để dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Dự án xây dựng trong bối cảnh đại dịch Covid –19 xảy ra, bão giá vật liệu xây dựng, thời tiết diễn biến bất thường…Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu đã vượt nắng, thắng mưa với tinh thần dứt khoát, niềm tin cao độ, có cách làm tư duy sáng tạo, lấy thực tiễn làm thước đo, tăng cường phân cấp, phân quyền trong thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, lựa chọn các nhà thầu có năng lực, tiết kiệm được chi phí cho ngân sách…nên đã vượt qua được những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thủ tướng chỉ đạo: Dự án đã đi vào khai thác các đơn vị tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả. Đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm để có bài học thi công các đoạn cao tốc khác. Ngoài ra, các đơn vị cần quan tâm đảm bảo cho người dân giải tỏa để làm cao tốc, người dân sống gần cao tốc phải có sinh kế bền vững, chung tay chung sức bảo vệ công trình….

Trần Thi; ảnh Ngọc Lân