Triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP” trên địa bàn tỉnh
Kinh tế - Ngày đăng : 10:35, 29/01/2019
Theo đó trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) đã thực hiện lồng ghép giới thiệu, tuyên truyền về chương trình OCOP vào chương trình tập huấn đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn trên địa bàn tỉnh cho 1.025 cán bộ, công chức thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới năm 2018 trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố (bao gồm 96 xã).
Năm 2019, thực hiện chọn lọc các sản phẩm trong bộ sản phẩm dự kiến phát triển trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 - 2020 và định hướng đến 2030 theo chuỗi như: thực phẩm gồm nông sản tươi và nông sản sơ chế, chế biến, thực phẩm tiện lợi. Nhóm đồ uống gồm đồ uống có cồn và đồ uống không cồn. Nhóm thảo dược gồm các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu, thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, mỹ phẩm, chế phẩm. Nhóm vải và may mặc gồm các sản phẩm làm từ bông, sợi. Nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng. Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập và nghiên cứu… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của chương trình OCOP Bình Thuận là nguồn nhân lực thực hiện chương trình. Đây là chương trình phát triển kinh tế do đó các sở, ngành, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp cộng đồng nếu thiếu kiên trì, chủ quan dễ thất bại hoặc nản chí. Chương trình này do người dân, doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo cơ chế chính sách, môi trường để tạo môi trường thuận lợi phát triển, không áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính, chuyển sang cơ chế phục vụ nên cán bộ, công chức phải thay đổi để phù hợp.
Q.N