Triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015: Nâng cao cải cách hành chính cấp xã

Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 02/05/2023

Việc áp dụng thành thạo hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 vào giải quyết công việc, hồ sơ hàng ngày tại UBND cấp xã, giúp cho người đứng đầu UBND cùng cấp kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong nội bộ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người dân, góp phần cải cách hành chính.

Việc triển khai hoạt động, cải tiến hệ thống này đã được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học & Công nghệ) phối hợp đơn vị chức năng tập huấn cho 500 cán bộ, viên chức thuộc 102 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nâng cao hoạt động chính quyền cấp xã, phục vụ người dân. Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay: “Bên cạnh mặt tích cực như trên, qua quá trình nắm bắt việc triển khai, áp dụng tại các UBND cấp xã, còn không ít cán bộ, viên chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích áp dụng HTQLCL, nên chưa phát huy hết hiệu quả của HTQLCL”.

bo-phan-tiep-nhan-va-tra-ket-qua-xa-tan-ha-duc-linh-anh-n.-lan-.jpg
Xã Tân Hà, huyện Đức Linh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO tại bộ phận 1 cửa giải quyết thủ tục hành chính cho dân (ảnh: Ngọc Lân)

Tại tập huấn, chuyên gia đào tạo Nguyễn Đào Duy Tài, Giám đốc Công ty TNHH Chuyển giao tri thức Chí Tân (TP. HCM) đã giới thiệu tổng quan hệ thống quản lý chất lượng, mô hình khung theo TCVN ISO 9001:2015 của Bộ Khoa học & Công nghệ; hướng dẫn các hoạt động duy trì, cải tiến HTQLCL trong cơ quan hành chính. Trong đó, mô hình khung HTQLCL gồm: hệ thống văn bản mẫu, hướng dẫn xác định danh mục các thủ tục hành chính (nếu có), quy trình xử lý công việc mẫu trong UBND cấp xã. Đồng thời, để hoạt động duy trì và cải tiến HTQLCL ISO 9001:2015 đi vào thực chất, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, chuyên gia đào tạo Nguyễn Đào Duy Tài hướng dẫn cán bộ, viên chức cấp xã triển khai thực hiện các nội dung cần thiết. Đó là, việc lập kế hoạch duy trì và cải tiến (thực hiện tháng 1 hàng năm). Rà soát chính sách chất lượng, cấp xã xem lại chính sách chất lượng còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, tình hình thực tế của địa phương hay không; ban hành lại nếu thấy cần thiết, niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đầu năm, cấp xã xây dựng, công bố mục tiêu chất lượng hàng năm, ban hành quyết định công bố mục tiêu chất lượng của năm, niêm yết tại nơi làm việc; cũng như đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chất lượng vào cuối năm. Cùng đó, cấp xã soát xét, cập nhật văn bản pháp quy, định kỳ 6 tháng, thư ký ISO, cán bộ, công chức, viên chức liên quan phụ trách ISO soát xét lại các quy trình, các văn bản liên quan đến các quy trình ISO và cập nhật vào danh mục tài liệu bên ngoài.

Các xã cập nhật các thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào HTQLCL để áp dụng trong thời gian chậm nhất là 3 tháng, kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành. UBND cấp xã thực hiện đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo tối thiểu 1 lần/năm để đảm bảo HTQLCL phù hợp với yêu cầu của TCVN ISO 9001, quy định của pháp luật và thực tế công tác tại cơ quan xã, phường, thị trấn. Việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thư ký ISO tổng hợp.

Được biết, hiện tại toàn tỉnh có 102 UBND cấp xã đang áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015. Trong năm nay, có thêm 18 UBND cấp xã đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý này; nâng tổng số lên 120 xã, phường, thị trấn áp dụng hệ thống; chỉ còn lại 4 xã chưa triển khai. Với hoạt động duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 góp phần cải cách hành chính ở các xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.

T. Khoa