Nét mới trên biển
Kinh tế - Ngày đăng : 10:17, 29/01/2019
Thu mua hải sản tại Cảng cá Phan Thiết. Ảnh: Đình Hòa |
Gia tăng tàu cá công suất lớn
Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sự khai thác hải sản quá mức trước đây, nên nguồn lợi thủy sản những năm gần đây ở Bình Thuận ngày càng suy kiệt; tỷ lệ tàu thuyền làm ăn hiệu quả ngày càng ít dần, nhất là tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt tuyến lộng, tuyến bờ. Để bảo vệ nguồn lợi, nhiều năm nay tỉnh ta đã không cho phát triển tàu công suất nhỏ và khuyến khích sắm tàu lớn để đánh bắt xa khơi; đồng thời đã thành lập 241 tổ đoàn kết để cùng nhau gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ biển đảo. Cộng với một số chính sách mới của Chính phủ về hỗ trợ, khuyến khích đánh bắt xa bờ như Nghị định 67, Nghị định 48 đã tạo cho ngành thủy sản Bình Thuận ngày càng "bỏ bờ vươn khơi xa". Tàu cá công suất lớn đánh bắt xa khơi đã gia tăng, hiện nay toàn tỉnh hiện có 6.761 tàu cá, trong đó tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên được 3.203 chiếc, tăng 164 chiếc so năm 2017. Cùng với đó, tàu cá công suất từ 30 CV trở xuống đã giảm dần, trong năm 2018 đã giảm 352 chiếc. Sự phát triển của nhóm tàu công suất lớn phản ánh chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu lực lượng khai thác hải sản của tỉnh những năm qua. Đáng chú ý số tàu cá công suất lớn được đầu tư trang bị khá hiện đại như: máy lọc nước biển, máy dò ngang, hệ thống tời thủy lực, ngư cụ, phương pháp đánh bắt ngày càng được cải tiến phù hợp với ngư trường, đối tượng, mùa vụ. Công nghệ bảo quản sau đánh bắt cũng có những chuyển biến tích cực, nhiều tàu thuyền đã cải tiến hệ thống khoang, hầm đông, công cụ bảo quản nhằm nâng cao giá trị, chất lượng hải sản sau khai thác.
Chuyển đổi nghề gắn với bảo vệ nguồn lợi
Thực hiện Chỉ thị 30 ngày 16/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; xây dựng đề án chuyển đổi nghề và lộ trình giảm dần số lượng tàu cá thuộc nhóm nghề có nguy cơ cao hủy hoại môi trường sang các nghề khác thân thiện với môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Năm 2018, Chi cục Thủy sản đã tuyên truyền, vận động ngư dân hạn chế và giảm dần số lượng tàu thuyền hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) để chuyển sang các nghề có lợi thế, truyền thống của địa phương như: mành chà, rê, câu, chụp mực… để hạn chế hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển. Kết quả đã có 73 tàu hành nghề lưới kéo chuyển đổi nghề khác.
Đi cùng vận động chuyển đổi nghề, Chi cục Thủy sản kiên quyết xử lý các tàu thuyền hành nghề giã cào bay hoạt động sai vùng, nhất là việc phối hợp tuần tra kiểm soát chặt chẽ nghề lưới kéo, lưới mùng, đánh cá bằng chất nổ. Thực hiện tạm dừng cho phép đóng mới tàu cá hành nghề lưới kéo và không cấp giấy phép khai thác thủy sản mới cho nghề lưới kéo. Đồng thời Chi cục Thủy sản đã phối hợp UBND huyện Hàm Thuận Nam và các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai hiệu quả dự án “Thúc đẩy, trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng ngư dân trong quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản (sò lông) để bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại Hàm Thuận Nam”. Qua đó đã góp phần quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái ven biển của địa phương.
Có thể ghi nhận, năm 2018 ngành khai thác hải sản trên biển đã có sự chuyển biến rõ nét theo hướng ổn định, hiệu quả và bền vững; góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống ngư dân ven biển.
Phan Văn