Chuyển biến rõ nét từ thực hiện Chỉ thị số 27

Chính trị - Ngày đăng : 05:11, 03/05/2023

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27, đa số cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 27. Từ đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sự chuyển biến tiến bộ, rõ nét trong việc chấp hành giờ giấc, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ và nêu gương trong công tác.

Thực hiện nghiêm túc

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị số 27 về việc nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa bằng việc ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, sát với tình hình thực tế. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27, các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động thành lập Tổ Kiểm tra nội bộ. 10 năm qua, có 10/10 huyện và một số các sở, ban, ngành thành lập Tổ Kiểm tra. Bên cạnh đó, đa số các cơ quan, đơn vị giao Văn phòng sở, bộ phận hành chính hoặc Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra nội bộ đối với việc thực hiện giờ giấc làm việc theo Chỉ thị 27. Thống kê giai đoạn 2012-2022, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã thực hiện trên 7.000 cuộc kiểm tra nội bộ. Qua kiểm tra, có 627 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và 4 tổ chức vi phạm Chỉ thị 27 đã được xử lý.

11.jpg
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công. Ảnh tư liệu N.Lân

Đối với Tổ Kiểm tra Chỉ thị 27 của tỉnh đã thực hiện 81 cuộc kiểm tra, trong đó có 39 cuộc kiểm tra tại 35 cơ quan, đơn vị. Từ đó, phát hiện và xử lý 135 cá nhân và 26 tập thể với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 10 năm qua, nhìn chung ý thức chấp hành của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngày càng được nâng lên, nghiêm túc hơn, đảm bảo giờ giấc làm việc; gần như không còn tình trạng la cà ăn uống ở hàng quán hoặc uống rượu bia trong giờ làm việc.

Một số vướng mắc

Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số cơ quan, đơn vị, địa phương tuy đã thành lập Tổ Kiểm tra nhưng hoạt động tự kiểm tra, giám sát nội bộ chưa được tiến hành thường xuyên, còn hiện tượng nể nang. Mặt khác, việc thực hiện Chỉ thị 27 có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra giờ giấc làm việc của Tổ Kiểm tra Chỉ thị 27 chưa thực hiện thường xuyên, liên tục...

Ngoài ra, tại một số đơn vị, ngành hoạt động có tính đặc thù như Ngành Giáo dục và Đào tạo, qua kiểm tra, đối với một số Trường THPT trên địa bàn TP. Phan Thiết, một số giáo viên chưa tới tiết dạy, nên còn đi ăn sáng, uống cà phê trong giờ hành chính. Đối với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, một số đơn vị trực thuộc do đặc thù công việc nên việc thực hiện giờ giấc làm việc trong giờ hành chính nhiều khi gặp khó khăn như diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh; Đội Tuyên truyền lưu động - Trung tâm Văn hóa tỉnh... Do vậy, việc áp dụng thời gian làm việc theo giờ hành chính là chưa đảm bảo. Mặt khác, hiện nay, các trường học quy định thời gian tan học sớm hơn so với thời gian kết thúc giờ làm việc tại công sở nên còn khó khăn đối với một số công chức, nhân viên có con theo học bậc mẫu giáo, tiểu học, THCS nên ảnh hưởng đến việc chấp hành giờ giấc làm việc tại công sở theo quy định.

Nêu cao trách nhiệm, chủ động và sáng tạo

Để Chỉ thị 27 triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát huy tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tham mưu khi giải quyết công việc. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt các quy chế, quy định đã ban hành. Phân công rõ ràng, phù hợp với từng vị trí việc làm cụ thể. Qua đó, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong công tác giữa cá nhân với các bộ phận, cơ quan, vừa đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, vừa phát huy tinh thần hợp tác và cộng đồng trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Mặt khác, phát huy tốt vai trò nêu gương, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Phát huy hơn nữa quy chế dân chủ cơ sở, tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến góp ý, giám sát hoạt động của lãnh đạo. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ, chú trọng kiểm tra việc phân công, giao nhiệm vụ; phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm phù hợp đối với các trường hợp thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Ban Thanh tra nhân dân cơ quan trong việc chấp hành và nâng cao ý thức chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức và người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình dư luận trong nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

T.HÀ