Trí thức hóa công nhân để tạo sự vững mạnh
Xã hội - Ngày đăng : 05:44, 03/05/2023
Trí thức hóa giai cấp công nhân
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đội ngũ công nhân, người lao động và hoạt động công đoàn ngày càng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 4.975 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 74.500 lao động; có 6/9 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, 66/85 dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng hơn 11.600 lao động. Các ngành nghề thu hút nhiều lao động chủ yếu là vật liệu xây dựng, dệt may, giày da, bảo quản - chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gỗ, cơ khí…
Để từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho công nhân, người lao động. Toàn tỉnh có 24 trường, trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo nghề đạt nhiều kết quả. Đến nay, có gần 60.000 cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động được đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, tăng hơn 26.600 người so với năm 2014. Riêng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận tổ chức đào tạo nghề hệ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên và hệ trung cấp cho trên 38.900 học sinh, sinh viên; tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt 85%. Bên cạnh đó, trường đã tiếp nhận trên 52.800 lượt lao động đến đăng ký tìm việc, tổ chức tư vấn việc làm, giới thiệu chính sách học nghề, xuất khẩu lao động cho hơn 56.000 lượt người. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho công nhân, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp... Đội ngũ công nhân, người lao động ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn, tay nghề, thể hiện sự năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nhờ đó, việc làm, tiền lương, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đến tháng 3/2023 là 5,35 triệu đồng/tháng.
Khuyến khích nhà đầu tư đào tạo chuyên môn
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của công nhân, viên chức, người lao động. Trong đó có doanh nghiệp phải đóng cửa, nợ lương; việc thực hiện chính sách, pháp luật cho người lao động như tiền lương và thu nhập, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...
Để chăm lo, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động tỉnh nhà ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động. Trong đó đặc biệt lưu ý tuyên truyền, giáo dục bản lĩnh chính trị, ý thức cách mạng, lòng tự hào dân tộc gắn với thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho công nhân và người lao động. Qua đó, nâng cao ý thức cảnh giác của công nhân, người lao động trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho công nhân, người lao động hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ, đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đẩy mạnh phát triển đảng trong công nhân lao động. Gắn với đó, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp. Đối với các tổ chức công đoàn các cấp, đồng chí Nguyễn Hoài Anh đề nghị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện theo tinh thần Chương trình hành động số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng công đoàn cơ sở, quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn tâm huyết, gắn bó mật thiết với công nhân, người lao động...
Theo thống kê của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 4.975 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 74.500 lao động; có 1.346 công đoàn cơ sở, số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn là 319 doanh nghiệp; tổng số công nhân, viên chức, lao động là 79.530/47.726 nữ và số đoàn viên công đoàn là 75.843 người/45.277 nữ, tăng 14.344 đoàn viên so với năm 2014; riêng số đoàn viên tại doanh nghiệp là 35.786 người, tăng 14.153 đoàn viên so với năm 2014...