Bình Thuận - khai thác lợi thế phát triển du lịch bền vững

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:15, 04/05/2023

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách đất nước và tỉnh nhà, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan.

Trong chuyến công tác dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, sáng 31/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Bình Thuận phải đi lên từ những tiềm năng, lợi thế này, nhất là đi lên từ: biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, lợi thế so sánh đó có được là nhờ Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh lớn nhờ các loại hình giao thông thuận lợi, sở hữu điều kiện phát triển kinh tế biển và du lịch.

dsc_9889.jpg
Hàng đoàn xe vẫn tấp nập ra vào khu resort Hàm Tiến - Mũi Né sáng ngày 1/5.

Hiện nay du lịch tỉnh Bình Thuận đang phát triển trong một bối cảnh có nhiều biến động, sức ép cạnh tranh gia tăng. Nhiều tỉnh, thành trong nước và các khu vực có trình độ phát triển du lịch cao, có nhiều chính sách hỗ trợ, sự phát triển kinh tế - xã hội tạo nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch. Khi nhìn nhận những nhân tố, những địa bàn tạo ra ưu thế cạnh tranh về du lịch; xem xét trong tương quan cạnh tranh có thể thấy một số yếu tố “được coi” là những lợi thế quan trọng của du lịch Bình Thuận trong thời gian tới như: Tài nguyên du lịch đa dạng; điểm đến mới với nhiều thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; giá cả có mức so sánh tốt; nghề truyền thống đang khôi phục và phát triển; truyền thống cách mạng và di tích lịch sử - văn hóa của 35 dân tộc, con người hiền hậu, dễ mến.

Với nhiều thắng cảnh tự nhiên chạy dọc theo 192 km bờ biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ hoang sơ trong vùng lãnh hải 52.000 km2, cùng với đó là hàng loạt dự án về hạ tầng cơ sở, giao thông: cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km; cao tốc cũng sẽ kết nối với sân bay Long Thành, giúp cho du khách từ sân bay quốc tế về Phan Thiết thuận tiện và nhanh chóng hơn, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Phan Thiết.

Trên cơ sở xác định nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm mang tính đặc thù, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; khách du lịch ngày càng “khó tính” hơn. Bình Thuận xác định khai thác lợi thế để phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Bình Thuận; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp con người Bình Thuận...

Muốn vậy, ngành du lịch cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách... Do đó, các cơ quan liên quan cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch. Mặt khác, cần đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Bình Thuận...

Song, hiện nay ở tỉnh ta hệ thống hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Chuyển đổi số trong du lịch chưa mạnh mẽ; chưa xây dựng, đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa các địa phương, ngành du lịch với ngành khác, tổ chức thực hiện du lịch chưa có sự đột phá. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch còn hạn chế. Chưa có nhiều sáng tạo, chủ yếu khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có. Các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc riêng có chưa được phát huy tối đa để biến thành nguồn lực. Khả năng tiệm cận với trình độ, văn hóa du lịch giữa các tỉnh trong và ngoài nước còn chậm.

Để khai thác lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch, Bình Thuận luôn coi “người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch”. Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm có thế mạnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch trong lợi thế cạnh tranh. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật. Đặc biệt cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới...

Bình Thuận xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với tất cả những tiềm năng và cơ hội nêu trên, việc định hướng chiến lược, khai thác tiềm năng, lợi thế sẽ là cơ hội tuyệt vời để ngành du lịch Bình Thuận phát triển.

DỤNG VĂN DUY