Vì sao chỉ số hài lòng của người dân ở Bình Thuận liên tục thấp?

Xã hội - Ngày đăng : 05:52, 04/05/2023

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra chủ trương: “Có giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Thực hiện cải cách hành chính toàn diện, hoạt động hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm... phấn đấu tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước hàng năm trên 85%”.

Để cụ thể hóa chủ trương đó, ngày 22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính), chỉ số PAPI; chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Chỉ thị xác định “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”. Tuy vậy nhìn vào những kết quả đạt được ở các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI, được phản ánh từ các cơ quan chức năng ở Trung ương công bố hàng năm của các tỉnh, thành trên cả nước, thì mức độ của tỉnh ta đạt được còn khiêm tốn, thậm chí có chỉ số rất thấp, nhất là chỉ số đo lường sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Nếu lấy mốc từ vài năm gần đây thì chỉ số về SIPAS năm 2021 đạt 83,1%, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành; năm 2022 (vừa được công bố ngày 19/4/2023), Bình Thuận cùng với 4 tỉnh khác: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Cao Bằng, thuộc nhóm 5 tỉnh có điểm số thấp nhất cả nước. Nếu nhìn xa hơn, các năm trước đó: năm 2017, (đạt 70,23%), thuộc vào nhóm các tỉnh áp chót (tỉnh thấp nhất là Kon Tum đạt 67,70%); năm 2018, xếp thứ 56/63; năm 2019 xếp thứ 63/63; năm 2020 xếp thứ 59/63. Như vậy, suốt 5 năm liên tục (từ 2017-2022), Bình Thuận luôn ở vị trí “đội sổ” về chỉ số SIPAS. Đây là điều không thể chấp nhận được khi chúng ta đang thực hiện chủ trương xây dựng “chính quyền thân thiện với người dân”.

chi-so-sipas-2021_lgjb.jpg

Vấn đề đặt ra là vì sao sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là sát hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp ở địa phương, nhưng kết quả mang lại không như mong đợi. Phải tìm cho được điểm yếu của vấn đề này để có giải pháp, biện pháp khắc phục, nhằm cải thiện vị thứ các chỉ số, nhất là chỉ số SIPAS. Phải chăng thực trạng được phản ánh sau đây đã chỉ ra những bất cập đó. Tại cuộc họp diễn ra vào tháng 7/2022 khi sơ kết thực hiện Chỉ thị 11, bên cạnh đánh giá những nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương tạo ra kết quả tích cực, rõ nét là chỉ số CPI và PAPI, cuộc họp cũng nêu nguyên nhân vì sao chưa thể nâng cao các chỉ số khác. Những điểm yếu được nêu ra như: người dân chưa hài lòng khi gặp trưởng thôn, khu phố, cán bộ cấp xã, cán bộ đoàn thể và cán bộ HĐND cấp xã để giải quyết khúc mắc của mình; người dân chưa hài lòng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền địa phương, khiến Bình Thuận xếp từ thứ 47/63 đến thứ 56/63, thuộc nhóm tỉnh, thành thấp nhất cả nước.

Bên cạnh đó còn có tình trạng: sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh; thái độ giao tiếp, ứng xử, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) ở các cơ quan, đơn vị, nhất là công chức địa chính, công chức bộ phận “một cửa” tại các huyện và các xã, phường, thị trấn, gây phiền hà cho người dân. Do vậy có nhiều đơn, thư phản ánh gửi đến UBND tỉnh, và phản ánh tại các buổi tiếp công dân của Ban Tiếp công dân tỉnh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã Có công văn số 4090, ngày 1/12/2022, về việc chấn chỉnh giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc của CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh. Ngày 20/2/2023, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Thuận đã ký quyết định thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện giờ giấc, tác phong và lề lối làm việc của CB, CC trong toàn tỉnh. Khi Tổ tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc của CB, CC tại một số đơn vị cấp xã, phường ở địa bàn gần trung tâm của tỉnh, phát hiện một số công chức không có mặt tại cơ quan trong thời điểm đoàn đến kiểm tra nhưng không rõ lý do. Chính những điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “chấm điểm” không hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư, và là “điểm nghẽn” trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Chung quy lại chất lượng phục vụ của đội ngũ CB, CC, VC của các cơ quan đơn vị ở chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn là nhân tố quyết định.

Do đó, việc cần làm hiện nay là: “Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, CC, VC vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, tận tụy phục vụ nhân dân”. Đó là điều Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu khi về thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận trong tháng 3 vừa qua. Đi đôi với đó, các cơ quan, đơn vị coi trọng công tác giáo dục CB, CC, VC nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; kiên quyết thay thế những CB, CC, VC có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà...

Duy Hà