Để Phan Thiết thêm xanh
Du lịch - Ngày đăng : 05:57, 04/05/2023
TP. Phan Thiết được công nhận là đô thị loại 2 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2009 và được định hướng là đô thị loại I trong giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, đóng vai trò là trung tâm du lịch và dịch vụ cấp quốc gia và quốc tế, là đô thị cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Ngoài ra, Phan Thiết là một trong các đô thị trung tâm của tỉnh Bình Thuận về chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển công viên cây xanh thời gian qua được ngành chức năng quan tâm.
Hiện nay, hệ thống cây xanh đô thị của thành phố khoảng 15.000 cây xanh. Trong đó, cây mới trồng là 3.525 cây, cây loại 1 là 5.231 cây, cây loại 2 là 5.844 cây, cây loại 3 là 371 cây. Các loại cây xanh đô thị được trồng chủ yếu là dầu rái, sao đen, lim xẹt, bò cạp vàng, bằng lăng, xà cừ, giáng hương, sò đo cam, chuông vàng, phượng... Trên địa bàn đô thị còn có 22 khu công viên và hoa viên với tổng diện tích hơn 26 ha. Qua đó cho thấy, hệ thống công viên cây xanh được thành phố quan tâm, mở rộng mảng xanh như thực hiện đầu tư các dự án công viên cây xanh trên khắp địa bàn, do đó diện tích mảng xanh trên địa bàn thành phố tăng theo từng năm. Không chỉ vậy, việc phát triển hệ thống cây xanh dần được các tổ chức và người dân quan tâm bằng hình thức xã hội hóa, góp phần tăng cường mảng xanh trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc còn xảy ra tình trạng phá hoại cây xanh đô thị, chặt phá cây, chặt rễ, đóng đinh, treo biển quảng cáo, đổ thuốc độc vào gốc cây... làm ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ sống của cây, thậm chí làm chết cây. Đặc biệt, tình trạng mất cắp cây hoa giấy trên đường Võ Nguyên Giáp và các công viên vẫn còn xảy ra. Quá trình cải tạo, nâng cấp vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật đã làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ cây xanh… Ngoài ra, một số tuyến đường trồng cây xanh được đầu tư chủng loại chưa được đồng nhất.
Để đạt mục tiêu Phan Thiết trở thành đô thị loại I vào giai đoạn 2025 - 2030, ngành chức năng của thành phố đã đề ra các giải pháp cụ thể. Thực hiện các dự án công viên, cây xanh theo danh mục dự án đầu tư. Tiến hành nâng cấp các công viên cây xanh hiện có trên địa bàn. Đảm bảo đất cây xanh đô thị đạt 7 m2/người vào năm 2025; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt trên 4,5 m2/người. Đặc biệt, thực hiện các dự án công viên, cây xanh theo danh mục dự án đầu tư: Chỉnh trang cụm Công viên Tháp nước (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Trần Hưng Đạo); Công viên Thương Chánh và đường ven biển; Sửa chữa, nâng cấp Công viên Đồi Dương, Công viên Hùng Vương; Hoa viên khu dân cư Kênh Bàu; Công viên phía Nam thành phố; Công viên dọc bờ sông Cà Ty; Công viên dọc Kênh Bàu… và nhiều khu công viên vườn hoa khác. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp các công viên trên địa bàn thành phố và cây xanh tập trung, vườn hoa của đô thị và trong khu dân cư theo quy hoạch, đảm bảo duy trì đạt tối đa tiêu chuẩn đất cây xanh khu vực công cộng khu vực nội thị.
Hiện nay các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã ban hành các đề án, kế hoạch để phát triển cây xanh. Trong đó, Bình Thuận cũng ban hành Kế hoạch ngày 30/8/2021 về thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh. Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc nhân rộng các công trình cây xanh; Kế hoạch ngày 18/1/2023 của UBND tỉnh triển khai nhân rộng các công trình trồng cây xanh trong các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh giai đoạn 2023 – 2025; trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành về số lượng cây trồng (phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh), loại cây trồng, các địa điểm trồng, nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa.