Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Triển vọng đột phá kinh tế nhờ giao thông thông suốt
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 04/05/2023
Đổi thay từ hệ thống giao thông
Du khách đi trên tuyến đường ĐT719 đến vùng biển Kê Gà, nơi có ngọn hải đăng luôn có cảm giác vỡ òa thích thú khi chiêm ngưỡng khung cảnh không nơi nào có với biển hoang sơ, đồi bãi nhấp nhô... và cả 1 thế giới của đá ngụ cư ven bãi biển. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm duy nhất đến thu hút khách du lịch vì phong cảnh đẹp và thức ăn hải sản tươi sống, liền kề khu vực này còn có điểm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Novaworld đang là tâm điểm của Bình Thuận. Với lợi thế có bờ biển hơn 23 km, được Trung ương, tỉnh đầu tư nâng cấp và làm mới 3 tuyến ĐT719, ĐT719 B và Hàm Kiệm đi Tiến Thành (TP. Phan Thiết) đã tạo sự kết nối liên thông giữa Khu du lịch quốc gia Mũi Né với Novaworld, Kê Gà - núi Tà Cú nên Hàm Thuận Nam đã thực sự thay đổi.
Còn nhớ cách đây 40 năm về trước, Hàm Thuận Nam là một trong những huyện nghèo của tỉnh, 2 bên quốc lộ 1A nhà dân lưa thưa với cát trắng nắng phủ lên đến chói mắt, muốn đi vào các thôn, xóm phải băng đường cát lún chân, nơi nào khá hơn một tí thì đường đất với đá lởm chởm. Bây giờ, Hàm Thuận Nam xanh tươi với hàng ngàn ha thanh long xuất hiện trên những vùng đất cát bạc màu. Ở các xã Hàm Mỹ, Hàm Cường, Hàm Minh, Hàm Kiệm… đường vào thôn xóm đã được làm bê tông hoặc nhựa hóa nên xe con bon bon vào đến tận ngóc ngách xóm làng.
Hàm Thuận Nam là cửa ngõ phía tây nam của TP. Phan Thiết, có quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện với chiều dài 37,5 km, tuyến cao tốc khoảng 30 km với đường dẫn ở km14 kết nối quốc lộ 1 – Hàm Kiệm – Tiến Thành (TP. Phan Thiết). Vì thế, từ trung tâm huyện đi đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và cả đi đến các tỉnh, thành khác thuận lợi. Ở chiều ngược lại, du khách từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh miền Tây Nam bộ đến Hàm Thuận Nam du lịch cũng sẽ được rút ngắn được 1/3 thời gian so với trước đây, khi cao tốc đi vào hoạt động.
Hoàn thiện hệ thống giao thông để phát triển kinh tế…
Bên cạnh hệ thống giao thông đối ngoại đang mở lối tạo nền tảng vững chắc, nhiều năm nay, Đảng bộ và hệ thống chính trị của huyện đã tập trung mọi nguồn lực để làm giao thông nông thôn. Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, huyện và của nhân dân đóng góp, Hàm Thuận Nam đã làm được hàng trăm km đường bê tông giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường bức xúc, quan trọng ở các thôn, xóm, khu phố, khu dân cư… đã được đầu tư xây dựng đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới trên từng địa bàn. Nhờ làm tốt kêu gọi sức dân đóng góp nên mạng lưới giao thông nông thôn cải thiện đáng kể nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của bà con nhân dân, từng bước cải thiện đời sống, môi trường, góp phần tạo bộ mặt khang trang cho khu vực nông thôn của huyện.
Thành quả trên là nhờ sự góp phần quyết định của phát triển kinh tế từ cây thanh long. Từ nhiều năm nay, Hàm Thuận Nam đã xây dựng chiến lược phát triển cây thanh long cho trái xuất khẩu. Vì vậy, đến nay Hàm Thuận Nam được gọi là “thủ phủ” thanh long của Bình Thuận, vì có diện tích thanh long nhiều nhất tỉnh và mang về giá trị xuất khẩu đứng tốp đầu của tỉnh. Nhiều hộ dân thoát nghèo và giàu lên từ đó. Ở góc độ khác, từ một huyện chưa có cơ sở du lịch nào, đến nay huyện đã có 77 dự án du lịch đăng ký đầu tư và hoạt động, trong đó có 23 dự án đang hoạt động, 29 dự án đang xây dựng, hàng năm đón trên 300.000 – 500.000 lượt khách du lịch, doanh thu hàng năm đạt trên 100 - 200 tỷ đồng. Chưa hết, Hàm Thuận Nam còn là nơi có 2 khu công nghiệp lớn nhất nhì ở tỉnh. Tất cả đều nhờ giao thông mở lối, kích cầu thu hút đầu tư, nên nền kinh tế của Hàm Thuận Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Sắp tới, ngoài tuyến cao tốc, thêm những tuyến đường lớn đi vào hoạt động như ĐT719, ĐT 719B, Hàm Kiệm – Tiến Thành… kinh tế Hàm Thuận Nam sẽ còn tăng cao hơn trong những năm tới…