Lấy ý kiến góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Xã hội - Ngày đăng : 15:03, 04/05/2023

BTO- Sáng 4/5, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý về một số nội dung của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phát triển và quản lý nhà ở đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong quá trình triển khai, pháp luật nhà ở cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế và cần được xem xét để sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 (5/2023) và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương, 196 Điều so với Luật Nhà ở năm 2014, thì dự thảo Luật sửa đổi đã tăng hơn 13 Điều; trong đó, bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172); giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Trong đó, vấn đề sở hữu nhà ở tại Chương II (từ Điều 8 - Điều 26) đề cập đến các quy định chung về sở hữu nhà ở; nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; sở hữu nhà chung cư.

z4316251550058_43fee4b6ffc38ae1f83cd8945eb9b750.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thông –  Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh việc xem xét thời hạn sở hữu nhà chung cư. Cần phải làm rõ, khi thời hạn sử dụng nhà chung cư đã hết và nhà chung cư buộc phải tháo dỡ để bảo đảm an toàn cho cư dân thì quyền sở hữu chung cư của chủ sở hữu vẫn được pháp luật bảo hộ và thông qua việc xác lập quyền sở hữu đối với phần diện tích tương tự tại nhà chung cư được xây dựng lại hoặc bằng phương thức khác do các bên thỏa thuận. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng theo Luật Nhà ở (sửa đổi), việc bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định của Chính phủ) là chưa phù hợp thực tiễn… Hay nhiều đại biểu đồng tình việc quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội không cần nằm trong dự án theo điều 80 của Luật Nhà ở…

z4316251578007_d888cde925b2e9cfad1f006b174579c3.jpg
Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng nay

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thông mong rằng đại diện các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến góp ý bằng văn bản gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh chậm nhất vào ngày 8/5 để văn phòng tổng hợp và Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2023. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, nhu cầu về nhà ở của công nhân là vô cùng bức thiết, do đó với mong muốn Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn, sát thực tế để người có thu nhập thấp hưởng được các quyền lợi chính đáng.

M. Vân